Đời sống

Hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, diện tích mặt nước gấp 16 lần hồ Tây và 667 lần hồ Gươm

Hồ chứa nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam, diện tích mặt nước gấp 16 lần hồ Tây và 667 lần hồ Gươm

Hồ Hòa Bình còn nổi bật với 47 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi và 36 đảo núi đất, tạo nên một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp.

Hồ Hòa Bình là một trong những công trình mang tính lịch sử của Việt Nam trên sông Đà. Con đập trải dài 230km từ Hòa Bình đến Sơn La với dung tích lên tới 9,5 tỷ m3, con số này tương đương với việc người dân Việt Nam có thể sử dụng trong 2 năm 7 tháng.

Được khởi công xây dựng vào năm 1979 và hoàn thành vào 1994, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình không chỉ mang tính lịch sử mà còn đóng góp vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn điện và điều khiển dòng nước. Nhà máy với công suất 1920 MW và hệ thống 8 tổ máy cùng 12 cửa xả, cho thấy khả năng kiểm soát lũ hiệu quả. Nếu phải mở toàn bộ 12 cửa xả thì thành phố Hòa Bình và nhiều vùng thấp có thể bị ngập, tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa bao giờ nhà máy phải xả toàn bộ 12 cửa.

Nhiệm vụ chính của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình là điều tiết lũ bảo vệ an toàn cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng, cung cấp điện, du lịch tham quan và thúc đẩy kinh tế.

Không chỉ mang lại những lợi ích như về mặt thủy điện vào điều tiết dòng nước, Hồ Hòa BÌnh còn nổi bật với 47 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi và 36 đảo núi đất tạo nên một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Chính vì quang cảnh đó mà thúc đẩy tham quan du lịch phát triển địa phương, thu hút khách du lịch trong nước.

Trên hồ còn có nhiều tiềm năng về việc nuôi trồng thủy sản, theo thống kê có khoảng 4900 lồng nuôi cá tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương. Nhận thấy tiềm năng phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030. Theo quy hoạch, hồ sẽ trở thành trung tâm du lịch lớn nhất tỉnh và là một trong 12 Khu du lịch Quốc gia trọng điểm của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, với sản phẩm du lịch đặc trưng là trải nghiệm văn hóa Mường kết hợp với hệ sinh thái lòng hồ.

Hiện tại tỉnh Hòa Bình đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở giao thông hạ tầng, mở rộng và nâng cấp các tuyến đường quan trọng. Tỉnh kêu gọi 16 dự án du lịch dịch vụ với tổng vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng, trên diện tích khoảng 14,4km², nhằm tăng sức hút đối với du khách và đưa hồ trở thành khu du lịch tầm cỡ quốc gia.