Mặt hàng ‘kim cương nâu’ đang tăng giá 20%, Việt Nam là quốc gia top 1 thế giới về sản xuất
Cà phê là một trong những loại đồ uống không chỉ người Việt Nam ưa chuộng mà còn được toàn thế giới yêu thích.
Giá cà phê robusta tương lai tại London đã tăng 18,1% vào cuối tháng 6 so với cuối tháng 3 và nó đang ở mức cao nhất mọi thời đại là 4394 đô la một tấn vào ngày 6/6. Trong khi đó giá cà phê arabica tương lai tăng 20,6%. Sự tăng giá này diễn ra ngay cả khi Chỉ số FTSE/CoreCommodity CRB, một chỉ báo quốc tế cho thị trường hàng hóa rộng lớn hơn, dao động quanh mức 290 vào cuối tháng 6, gần như đi ngang so với cuối tháng 3. Giá dầu thô tương lai, một thành phần chính của chỉ số, đã giảm khoảng 1% đến 2% trong giai đoạn đó.
Theo số liệu của Tổ chức Cà phê Quốc tế, Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về thị phần xuất khẩu cà phê (giai đoạn tháng 2/2021 - 1/2022), chỉ xếp sau Brazil. Việt Nam đứng đầu về năng suất trồng cà phê khi đạt 2,4 tấn/ha.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến giá cả của cà phê tăng đột biến, đó chính là sóng nhiệt ở Đông Nam Á. Từ tháng 4 vừa qua, nhiệt độ trung bình tại khu vực Đông Nam Á, cụ thể là các nước Việt Nam, Thái Lan và Philippines nóng hơn bình thường và lên tới 48 độ C.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu khoảng 40% lượng hạt cà phê robusta của thế giới, sử dụng vào làm cà phê hòa tan. Những người nông dân tại Việt Nam phải đối mặt với nhiệt độ và hạn hán nghiêm trọng vậy nên nó ảnh hưởng nhiều tới năng suất và sản phẩm đầu ra của cà phê.
Masanobu Takano, người làm việc trong lĩnh vực cà phê và trà tại công ty giao dịch S. Ishimitsu & Co. có trụ sở tại Kobe, cho biết: "Năm trước, vụ thu hoạch cà phê robusta kém, vì vậy giá đã tăng do lo ngại về năm thứ hai liên tiếp có vụ thu hoạch kém, kéo dài tình trạng cung-cầu eo hẹp".
Không chỉ ảnh hưởng tới cà phê, nhiệt độ tại Đông Nam Á cũng làm ảnh hưởng tới giá cao su thiên nhiên, một mặt hàng xuất khẩu chính của Thái Lan. Giá cao su tương lai trên Sàn giao dịch Osaka, một chuẩn mực quốc tế, tăng lên 360,90 yên (2,23 USD) một kg vào ngày 10/6, mức cao nhất kể từ giữa tháng 3.
Gu Jiong của Yutaka Trusty Securities cho biết: "Năm nay, đợt nắng nóng đã gây thiệt hại cho cây cao su và sự phục hồi muộn sau giai đoạn chậm chạp đã góp phần đẩy giá cao vào tháng 6".
Sóng nhiệt không chỉ làm ảnh hưởng tới nền kinh tế tại châu Á, được biết tháng 5 vừa qua là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu, theo Cụ Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ. Nhiệt độ trung bình vượt qua mức cao nhất của tháng được thiết lập vào năm 2020. Ghi nhận số điện tiêu thụ tăng lên do nhu cầu sử dụng điều hòa, giá khí đốt cũng tăng một cách chóng mặt.