Mặt hàng đưa Việt Nam lên hàng top thế giới, sánh ngang với đất nước tỉ dân Trung Quốc
Việt Nam là quốc gia đứng top 2 về xuất khẩu hàng hóa giày dép, chỉ xếp sau Trung Quốc và vượt mặt nhiều cường quốc khác.
Nền kinh tế của Việt Nam tuy mới chỉ có thời gian ngắn để phát triển thế nhưng những mặt hàng của nước ta đã đứng đầu ở một số hạng mục như gạo, cà phê, hạt điều, dệt may,... đủ cho thấy sự cố gắng và phát triển của con người Việt. Nhiều mặt hàng nhận được phản hồi tích cực và đánh giá cao từ các quốc gia trên thế giới, trong đó cà phê của Việt Nam nổi bật hơn hẳn. Thế nhưng không thể không nói đến mặt hàng giày dép đã giúp Việt Nam thu về hàng tỷ USD.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép các loại trong tháng 5 đã thu về 1,99 tỷ USD, số liệu này tăng 8,3% so với tháng 4. Lũy kế 5 tháng đầu năm đối với mặt hàng giày dép thu về hơn 8,6 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong các thị trường nhập khẩu mạnh mặt hàng giày dép, Mỹ là quốc gia đứng đầu khi số lượng thu mua giày dép nhiều nhất từ Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu sang quốc gia này trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 3,09 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đứng sau Mỹ là đất nước tỉ dân Trung Quốc với hơn 765 triệu USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Xếp sau Trung Quốc là Hà Lan với hơn 635 triệu USD, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam tuy còn gặp nhiều khó khăn và chưa có nhiều thời gian phát triển nhưng đang là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép và chỉ xếp sau Trung Quốc. Lượng giày dép xuất khẩu ước tính đạt 10% của thế giới và có mặt tại 150 thị trường nước ngoài, trong đó có nhiều cái tên sừng sỏ như cường quốc Mỹ, EU, Anh,... Việt Nam cũng từng là nước xuất khẩu giày vải lớn nhất thế giới về giá trị vào năm 2020. Ở mặt hàng này quốc gia ta đã vượt mặt Trung Quốc đủ cho thấy năng suất và mặt hàng này của Việt Nam được yêu thích ra sao.
Nhận thức được sự quan trọng và thiết yếu của mặt hàng này các doanh nghiệp trong nước cũng đã có những thay đổi để nâng cao năng suất và hiệu quả. Việc mở rộng thị trường mới, đa dạng các loại sản phẩm để tiếp nhận được nhiều tệp khách hàng hơn là đúng đắn. Cùng với việc phát triển và tìm hướng đi mới thì việc củng cố chắc chắn mối quan hệ với các ‘mối’ cũ là cần thiết, các thị trường tiềm năng và lớn vẫn xuất khẩu đều đặn hàng hóa. Cải thiện chất lượng sản phẩm cũng như chuyển đổi phương thức sản xuất xanh là một số tiêu chuẩn mà con người đang dần hướng tới.
Thế nhưng theo các chuyên gia đánh giá, Việt Nam chỉ hoạt động chủ yếu ở khâu cắt, may, dán, đóng các loại vật liệu được cung cấp sẵn, những vật liệu này được nhập hầu hết tại nước ngoài về nên dù kim ngạch xuất khẩu lớn nhưng giá trị gia tăng lại không quá cao. Phải biết rằng trong cơ cấu giá trị của đôi giày, nguyên vật liệu chiếm tới 70%, vậy nên từ đó đặt ra nhiều câu hỏi về việc phát triển công nghiệp vật liệu trong nước nhằm đáp ứng được các điều kiện của nhà sản xuất.
Nếu Việt Nam cung cấp được vật liệu phù hợp với công đoạn sản xuất, giá trị gia tăng của nước ta sẽ được cải thiện một cách đáng kể. Cùng với đó ngành giày dép thời gian tới sẽ cần tham gia sản xuất nhiều dòng thuộc phân khúc cao cấp hơn nên việc đầu tư vào vật liệu là cần thiết, từ đó giúp cho các sản phẩm ‘cộp mác’ Việt Nam được đánh giá cao và đón nhận trên thế giới.