Dù chỉ dài 50m và liên quan tới ông tổ sư giới dệt gấm nhưng người dân sinh sống trên con đường này lại không kinh doanh liên quan đến gấm lụa.
Nằm tại một trong hai thành phố lớn nhất nhì cả nước nhưng bên trong những con ngõ, ngách nhỏ vẫn còn tồn tại con đường ngắn vỏn vẹn 50m. Nhiều người từng thắc mắc rằng đâu mới là con đường ngắn nhất tại TP.HCM, có ý kiến cho rằng đường ngắn nhất tại Phú Nhuận, nơi đây có những con đường chỉ dài 38m, hay hơn 40m một chút. Cúng có người cho rằng tại Thủ Đức có những con đường ngắn chỉ 40-45m.
Thế nhưng đó chỉ là những thông tin chủ quan từ người dân và sự áng chừng của họ. Còn theo sổ tay tên đường ở TP.HCM do Lê Trung Hoa và Nguyễn Đình Tư biên soạn, NXB Trẻ 2013. Qua đó, đường Đỗ Văn Sửu (quận 5), dài 50 mét, là con đường ngắn nhất.
Đường Đỗ Văn Sửu nằm tại địa bàn phường 10, quận 5. Từ đường Lương Nhữ Học đến đường Vạn Kiếp, dài 50 mét, lộ giới 12 mét. Thời Pháp, đường mang tên Canal nhưng sau đó đổi tên thành Đỗ Văn Sửu từ ngày 19/10/1955 cho đến ngày nay.
Vậy Đỗ Văn Sửu là ai? ông quê tại Hà Tây, sống dưới triều Tự Đức và có sáng kiến dệt gấm bằng tơ lụa Hà Đông. Ông Đỗ Văn Sửu được xem như tổ sư giới dệt gấm của nước ta. Tuy lấy tên đường là ông tổ sư giới dệt gấm nhưng nơi đây lại không buôn bán liên quan đến gấn hay dệt gấm. Người dân sinh sống tại đây chủ yếu là người Hoa và đã sống rất lâu đời. Chủ yếu con đường này buôn bán các mặt hàng cơ khí và phụ kiện xe ô tô.
Ông Đỗ Văn Sửu là tổ nghề lụa Hà Đông, mà lụa Hà Đông lại rất được các tiểu thư Sài Gòn ưa dùng. Chính vì điều đó mà nhà thơ Nguyên Sa đã từng viết trong bài Áo lụa Hà Đông: "Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông/ Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng/ Thơ của anh vẫn nguyên màu lụa trắng...".