Chuyên gia nhận định vụ bé trai lớp 8 bị đánh đến chết não, bản án nào dành cho kẻ gây ra sự việc?
Nạn nhân là bé Đ. SN 2010, học trường THCS Việt Hưng, trong quá trình chơi có xích mích với một bạn khác sau đó bị người thân của người bạn kia đến đánh hội đồng.
Sự việc liên quan tới ‘vụ cháu bé lớp 8 bị đánh dẫn tới chết não tại Hà Nội’, trao đổi với truyền thông, chị N.L.A sinh năm 1985 cho biết gia đình đã chuyển cháu bé từ Bệnh viện 108 về Bệnh viện đa khoa Tỉnh Phú Thọ để tiếp tục duy trì sự sống cho em đến những ngày cuối cùng của cuộc đời.
Theo dõi vụ việc tiến sĩ Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng: "Có lẽ khi tiếp cận thông tin này thì bất kỳ phụ huynh nào cũng rất bàng hoàng, lo lắng cho sự an nguy của con em mình và thương cho nạn nhân trong vụ việc này. Đây là một sự việc rất đau lòng và rất nguy hiểm, hậu quả có thể sẽ rất nghiêm trọng, nỗi đau có thể sẽ dai dẳng với gia đình nạn nhân.
"Vấn đề trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm trong công tác quản lý cần phải được xem xét thận trọng, đầy đủ, khách quan, đúng pháp luật làm căn cứ xử lý đối tượng vi phạm và để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm, phòng ngừa vi phạm pháp luật, bảo vệ trẻ em, người chưa thành niên", luật sư Cường nhấn mạnh.
Theo ông Cường, thông tin ban đầu cho thấy nạn nhân bị đánh hội đồng đến mức bất tỉnh, bại não mới được buông tha, có thể những người tham gia đánh tưởng nạn nhân đã chết nên mới dừng tay. Về phía cơ quan chức năng vẫn đang làm việc và tìm rõ nguyên nhân sự viêc, làm rõ diễn biến hành vi đánh hội đồng. Có thể thấy đây là một hành động man rợ, đánh đập một cách tàn bạo và thể hiện sự thách thức pháp luật, coi thường mạng sống con người.
Trong trường hợp xác minh cho thấy các đối tượng đánh cháu bé đã đủ từ 14 tuổi trở lên, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định điều 12 Bộ luật hình sự thì các đối tượng này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc giết người tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự việc, hành vi đã gây ra.
Nếu các đối tượng này đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và hậu quả được xác định là rất nghiêm trọng thì cơ quan điều tra sẽ xem xét động cơ mục đích đánh người có nhằm mục đích là để sát hại nạn nhân hay không, hành vi có thể dẫn đến chết người hay không (với hành vi như vậy nạn nhân có thể tử vong hay không?) là căn cứ để xác định hành vi này sẽ xử lý về tội cố ý gây thương tích hay tội giết người.
Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy các đối tượng có mục đích sát hại nạn nhân hoặc hành vi có thể dẫn đến nạn nhân tử vong, các đối tượng này nhận thức được hành vi của mình có thể tước đoạt trái pháp luật tính mạng của nạn nhân nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi (như dùng hung khí nguy hiểm đánh vào đầu nạn nhân, đập đầu nạn nhân xuống đường hoặc dùng hung khí vụ nguy hiểm đánh vào vùng trọng yếu, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra), nạn nhân không chết là do được cấp cứu kịp thời thì sẽ xử lý các đối tượng này về tội giết người theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự và hướng dẫn tại án lệ số 47/2021/AL. Hình phạt trong trường hợp này có thể là tù chung thân, tử hình đối với các đối tượng phạm tội đã từ đủ 18 tuổi và có thể tới 18 năm tù đối với các đối tượng từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi.
Còn đối với trường hợp các đối tượng này không nhận thức được hành vi của mình dẫn tới chết người, không có mục đích sát hại nạn nhân và hành vi không dẫn tới chết người thì các đối tượng sẽ bị xử lý về tội cố ý gây thương tích theo điều 134 Bộ luật hình sự nếu các đối tượng này đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 12 của Bộ luật hình sự.
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, theo tìm hiểu đối tượng trực tiếp gây án đối với nạn nhân hiện đang học lớp 10, sinh năm 2008, ở lứa tuổi từ 14 đến dưới 16 tuổi.
Như vậy, với hành vi đánh cháu bé 2010 chấn thương sọ não nặng (có thể bị tử vong) đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định nếu bị buộc tội Giết người hoặc Cố ý gây thương tích theo Điều 123, 134 Bộ luật hình sự.