Khám phá mới

Loài động vật tưởng tuyệt chủng lại bất ngờ xuất hiện: Có khả năng sản xuất 'tơ vàng' và dài 1,2m

Tơ của loài trai Pinna nobilis được ví như tơ vàng dưới lòng đại dương, thế nhưng chúng từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng một cách nghiêm trọng.

Loài trai khổng lồ Pinna nobilis hay còn được người dân gọi với cái tên mỹ miều là trai bút quý tộc, hến quạt. Tuy nhiên chúng lại bị suy giảm số lượng một cách nhanh chóng khi một loại ký sinh trùng được phát hiện lây lan tại Địa Trung Hải vào năm 2016. Các nhà khoa học Croatia thông báo số lượng loại trai này giảm một cách mạnh mẽ và thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng, tại vùng biển quen thuộc của chúng là Adriatic chỉ còn lại khoảng 10 con vào thời điểm đó.

Loài trai tưởng như tuyệt chủng nay lại xuất hiện.

Thế nhưng năm ngoái một thợ lặn đã phát hiện ra khoảng 20 con trai thuộc loài Pinna nobilis ở gần bờ biển phía Bắc bán đảo Istria. Các chuyên gia thuộc tổ chức Natura Histrica cho biết phát hiện trên cho thấy loài trai Pinna nobilis vẫn tiếp tục sinh sản. Dù không rõ nguyên nhân vì sao loài trai này lại xuất hiện với số lượng lớn như vậy và tại sao lại xuất hiện trở lại, thế nhưng đây là một tín hiệu đáng mừng.

Các nhà khoa học chưa tìm được lý do tại sao chúng lại xuất hiện trở lại với số lượng lớn.

Đương nhiên các nhà nghiên cứu và chính phủ sẽ đưa loài trai quý hiếm này vào danh sách bảo tồn và có những biện pháp cụ thể nhằm sinh sản giống nòi này. Loài trai Pinna nobilis có khả năng sinh sống rất lâu, lên tới 45-50 năm và có chiều dài lên tới 1,2m. Vỏ của chúng được lót bằng lớp xà cừ ánh kim tạo ra những sợi tơ biển vô cùng quý giá và tinh khiết. Chính vì thế mà chúng được mệnh danh là loài trai nhả ra tơ vàng dưới đại dương. Loài trai Pinna nobilis không chỉ là biểu tượng của vùng Địa Trung Hải mà còn có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái biển, lọc sạch nước và cung cấp môi trường sống cho các loài sinh vật khác.

Những sợi tơ vàng do loài trai quý hiếm này sản xuất ra.

Từ đầu năm đến nay các nhà sinh vật học và các nghiên cứu đã thu thập được khoảng 100 con và đưa chúng về bể thủy cung tại thành phố Pula. Tại đây loài trai quý hiếm này sẽ được nuôi trong một môi trường sạch sẽ và khỏe mạnh, không có bất kỳ loài ký sinh trùng nào để chúng có thể phát triển hoàn toàn khỏe mạnh. Sau khi chúng trưởng thành các nhà khoa học sẽ thả chúng lại về với tự nhiên.