Đời sống

Vị giáo sư đặc biệt của Việt Nam không có bằng tiến sĩ, cống hiến hết mình cho giáo dục

Vị giáo sư đặc biệt của Việt Nam không có bằng tiến sĩ, cống hiến hết mình cho giáo dục

Ông là thầy giáo Vật lý đầu tiên của Trường ĐH Tổng hợp được Nhà nước phong hàm giáo sư với những cống hiến to lớn của mình cho ngành giáo dục.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống học hành, bố từng làm quan đầu tỉnh thế nhưng vì không thích môi trường này mà 20 anh chị em của GS Đàm Trung Đồn đã được bố hướng theo con đường khoa học. Là người con thứu 19 của gia đình, như những anh chị khác, ông Đàm Trung Đồn luôn ý thức được tầm quan trọng của tri thức và cố gắng nỗ lực học tập chăm chỉ.

Ngày toàn quốc kháng chiến, khi ấy ông Đàm Trung Đồn vẫn chưa học hết cấp 1 đã cùng mọi người trong gia đình tản cư về Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên. Ông được các anh trong gia đình kèm cặp và chỉ trong thời gian ngắn đã hoàn thành chương trình cấp 2. Sau đó ông trở về Hà Nội cùng mẹ để học tập, dù sống tại thủ đô nhưng trong lòng ông vẫn luôn hướng về kháng chiến. Thời phổ thông ông từng là thủ khoa trong kỳ thi học sinh giỏi Vật lý các trường trong vùng tạm chiếm.

Ông Đồn là một trong số ít sinh viên được Thành Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội cử ra học tập lớp tiếp quản Thủ đô. Kể từ năm 1956, sau khi trải qua thời gian dài học học và cống hiến, ông được phân công dạy Vật lý tại ĐH Tổng hợp và trở thành lực lượng nòng cốt.

“Hồi ấy, ĐH Tổng hợp chỉ có một khoa Khoa học Tự nhiên, gồm Toán, Lý, Hóa, Sinh. Tổ Vật lý có 5 người gồm thầy Kon Tum – khi ấy là hiệu trưởng nhà trường, thầy Vũ Như Canh, anh Phan Văn Thích, anh Phạm Viết Chinh và tôi.

Lớp cán bộ trẻ đều mới tốt nghiệp hệ 3 năm, tương đương trình độ đại học năm thứ 2 tại các trường đại học nước ngoài. Do đó, các anh em tôi đều được cử đi nước ngoài để bổ túc kiến thức còn thiếu. Thời điểm ấy, anh Phan Văn Thích, anh Phạm Viết Chinh được cử đi học ở Liên Xô, cho nên, giáo viên tổ Vật lý khi ấy không còn nhiều”, thầy Đồn nhớ lại.

GS Đồn làm việc trong điều kiện khó khăn khi thiếu thốn vật chất, trường mới được thành lập nên không có đủ tài nguyên. Thế nhưng GS Đàm Trung Đồn không vì thế mà nản lòng, ông hiểu rằng chỉ có con đường tự học tự làm mới khiến bản thân phát triển hơn. Trong suốt giai đoạn 1959-1972 ông vừa giảng dạy vừa nghiên cứu và đã có nhiều cống hiến to lớn cho đào tạo.

Được GS Tạ Quang Bửu động viên và giúp đỡ tài liệu, ông đã mày mò và tìm hiểu những kiến thức mới. ngoài ra ông cũng tìm hiểu một số tài liệu bằng tiếng Nga, kết hợp với những cuốn sách xin được từ các chuyên gia nước ngoài.

Nhờ ham học tập, mạnh dạn đi vào thực tế, ông được giao giải quyết rất nhiều vấn đề khó khăn gặp phải cả trong sản xuất và chiến đấu lúc ấy như nghiên cứu về hoạt động của thủy lôi trôi hay cách xác định các tính năng của vi mạch lần đầu tiên được sử dụng trong khí tài của Mỹ.

Với những cống hiến của mình, đến năm 1984, ông đã trở thành thầy giáo Vật lý đầu tiên của Trường ĐH Tổng hợp được Nhà nước phong hàm Giáo sư, cũng là “vị giáo sư đặc biệt” vì không có bằng tiến sĩ.