Khoa học thưởng thức

Thành Cát Tư Hãn: Ác nhân hay Vĩ nhân?

 

Đế chế Mông Cổ và chủ nhân của nó đã được lịch sử giao phó sứ mệnh vô cùng đặc biệt: Mang trong mình sự song hành vốn có của nhân loại.

Chiến tranh và Hòa bình

Thành Cát Tư Hãn là nhà chinh phạt vĩ đại nhất trên thế giới. Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, ông đã chỉ huy 32 chiến dịch lớn với 65 trận đánh, chinh phục được hơn 30 triệu km2 đất đai, điều mà không một nhân vật hay đế chế nào có thể làm được trước đó. Tất cả những vinh quang không gì sánh được kể trên, thật tàn khốc khi được ghi dấu ấn bằng mạng sống của gần 40 triệu người.

Là biểu tượng của chiến tranh và bất bại nhưng thật đáng ngạc nhiên, gót ngựa sắc của đế chế Mông Cổ lại phải “ôm mối hận ngàn thu”  khi ba lần chinh phạt Việt Nam trên cả trên đường bộ và đường biển đều chuốc lấy thất bại.

Thành Cát Tư Hãn đã dành phần lớn cuộc đời mình trên lưng ngựa, tạo nên một đế chế hùng mạnh mà đến tận ngày nay thế giới vẫn phải thán phục. Sau khi liên tục được mở rộng suốt gần một thế kỷ, Thành Cát Tư Hãn biến Mông Cổ thành một “dải lụa xinh đẹp” kéo dài từ Thái Bình Dương tới Địa Trung Hải, và từ Bắc Băng Dương tới Biển Ả-rập. Đế quốc Mông Cổ là quốc gia duy nhất trong lịch sử bao gồm cả Trung Quốc và Nga, cũng như nhiều đất nước nhỏ hơn từ Triều Tiên tới Iran, Afghanistan, Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiến tranh là đổ máu, tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận chính chiến tranh đem đến cho Mông Cổ tiền đề thuận lợi để thiết lập một nền hòa bình thống nhất đặc biệt chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Với sự quy phục của hơn 40 quốc gia và 700 dân tộc, đại bộ phận lục địa Á – Âu trên bản đồ thế giới đều thuộc về Mông Cổ, đó chính là tiền đề để vị hoàng đế bất hủ tiếp tục phát triển con đường tơ lụa nối liền giao thương của thế giới.

Sự độc quyền thống trị toàn bộ con đường tơ lụa đồng thời khiến nó trở nên an toàn hơn bao giờ hết. Thương mại phát triển mạnh mẽ, người Mông Cổ vô cùng tự hào về độ an toàn của con đường tơ lụa, đến nỗi một thiếu nữ mang vàng trong tay có thể đi từ đầu này đến đầu kia cũng không bị tổn hại.

 Dân chủ và Tàn bạo

Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, cùng với những vinh quang mà ít ai sánh được Thành Cát Tư Hãn cũng nổi danh với sự tàn bạo không khoan nhượng.

Phải đấu tranh giành giật sự sống ngay từ khi còn tấm bé, ít ai ngờ rằng Thành Cát Tư Hãn khi mới ở độ tuổi vị thành niên đã phải sát hại chính người anh em cùng mẹ khác cha chỉ vì giành thức ăn. Chính cuộc sống cơ cực và dồn nén thù hận đã khiến chàng thanh niên Thiết Mộc Chân thuần chất của thảo nguyên rộng lớn vươn mình trở thành Thành Cát Tư Hãn - vị danh tướng mà cả ngàn đời sau người ta vẫn còn phải ngưỡng vọng và kính sợ mỗi khi nhắc đến.

Mở màn cho những bản khải hoàn ca chiến thắng vang dội và đẫm máu của Thành Cát Tư Hãn chính là cuộc trả thù bộ lạc thù bộ lạc Tatar - kẻ thù gây ra cái chết của cha ông. Sau khi bị Thành Cát Tư Hãn đánh bại, bộ lạc Tatar gần như đã bị xóa sổ bởi những cách hành hình ghê rợn bậc nhất. Bất kỳ nam giới Tatar nào cũng bị trói vào trục bánh xe sau đó là cảnh tượng chém đầu kinh hoàng. Không chỉ giết hại nam giới trưởng thành, Thành Cát Tư Hãn còn nhổ cỏ tận gốc khi ra lệnh giết hại cả trẻ nhỏ.

Một chiến dịch trả thù đẫm máu khác của Thành Cát Tư Hãn đó là vào năm 1219, vua của Đế chế Khwarezmid phá vỡ hiệp ước với người Mông Cổ. Ngay sau khi sứ giả của Thành Cát Tư Hãn bị sát hại, thủ lĩnh đế chế Mông Cổ đã dẫn quân trừng phạt và san bằng vương quốc Khwarezmid. Hậu quả là vương quốc Khwarezmid  trù phú đã biến thành vùng đất hoang tàn và chết chóc.

Nhẫn tâm, không khoan nhượng với kẻ thù, thế nhưng Thành Cát Tư Hãn lại là đế vương hiện thực hóa nền dân chủ sớm nhất. Cùng với tư tưởng cấp tiến vượt thời đại của mình, sau khi lên ngôi thay vì độc quyền chuyên chế, chủ nhân của đế chế hùng mạnh nhất mọi thời đại đã khai sáng nền dân chủ. Tất cả những quyết sách hay những vấn đề trọng đại của quốc gia đều tổ chức đại hội Khuruldai để quyết định. Đại hội Khuruldai nguyên là hình thức hội nghị đầu tiên do các thủ lĩnh bộ lạc liên minh tham gia, cũng chính là hội nghị bộ lạc. Sau khi Thành Cát Tư Hãn lập nên đại đế quốc Mông Cổ, vì củng cố chính quyền, ông xác lập "Thiên hộ chế”, mở rộng quân đội, xây dựng “hình phạt chính trị”, ban bố bộ luật thành văn đầu tiên của Mông Cổ – “Đại Trát Tát”. “Đại Trát Tát” định hướng đế quốc Mông Cổ về chế độ dân chủ, các chức nội quan của đế quốc tuy rằng do thừa kế, nhưng dưới sự ước thúc của pháp điển, hoàn cảnh dân chủ của đế quốc đã vượt xa thời đại hoàng kim của nền chính trị dân chủ Hy Lạp Athens – chế độ dân chủ của thời đại Pericles (495 – 429 TCN).

Ở thời đại đó, Thành Cát Tư Hãn cũng là vị vua duy nhất, thật sự tôn trọng và chấp nhận sự đa dạng về tôn giáo. Là người cai trị, Thành Cát Tư Hãn tuyên bố tự do tôn giáo trong đế chế của mình. Thành Cát Tư Hãn cai trị một lãnh thổ đa dạng về tôn giáo bao gồm Phật tử, Cơ đốc giáo và Hồi giáo. Nhận thấy việc đàn áp các tôn giáo này sẽ chỉ đem lại mầm mống phản kháng và phẫn nộ với đế chế Mông Cổ rộng lớn, vì vậy Thành Cát Tư Hãn đã thúc đẩy chính sách khoan dung tôn giáo. Trong đế chế, các nhà lãnh đạo tôn giáo được miễn thuế và tất cả các đối tượng có thể tự do tham gia bất kỳ tôn giáo nào.

Thành Cát Tư Hãn độc ác hay vĩ đại, xin hãy để dành phần phán xét này cho lịch sử ghi nhận. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận rằng, Thành Cát Tư Hãn đã tự viết lên định mệnh của đời mình và thậm chí là cho dấu mốc quan trọng trong lịch sử của toàn nhân loại.

 

Xúc phạm uy tín CSGT trên Facebook, một nữ tài xế bị triệu tập

(Techz.vn) Do đăng tin sai sự thật, xúc phạm uy tín CSGT trên mạng xã hội Facebook, nữ tài xế Đào Ánh Phượng quê quán ở Quảng Ninh bị triệu tập.