Vụ mái ấm Hoa Hồng: Chủ cơ sở đối phó tinh vi với cơ quan quản lý nhà nước, ‘hô biến’ trẻ em
Sau khi vụ bạo hành trẻ dã man ở Mái ấm Hoa Hồng bị phanh phui, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều khuất tất ở địa điểm này.
Ngày 7/9, mạng xã hội sôi sục phẫn nộ trước hành động bạo hành trẻ dã man của các bảo mẫu ở Mái ấm Hoa Hồng (phường Trung Mỹ Tây, quận 12). Khi cơ quan chức năng kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận cơ sở này đang nuôi dưỡng 86 trẻ, trong khi giấy phép chỉ cho phép cơ sở này được nuôi không quá 39 trẻ. Đáng chú ý, những lần kiểm tra trước đó vào tháng 11/2023 và tháng 4/2024, UBND quận 12 đều chỉ ghi nhận số trẻ 39 trẻ đúng như trên giấy phép. Tháng 7/2024, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận 12 cũng thực hiện giám sát tại mái ấm này nhưng không phát hiện sự sai phạm. Vậy tại thời điểm kiểm tra, số trẻ em còn lại đã được ‘hô biến’ đi đâu? Điều này cho thấy sự đối phó tinh vi của chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng với cơ quan chức năng và đã có sự chuẩn bị từ trước.
Theo ông Nguyễn Tăng Minh, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, có 1 số kẽ hở trong công tác kiểm tra để các chủ sơ sở này có thể ‘trót lọt’. Theo đó, các cuộc kiểm tra đều phải thông báo trước, chỉ khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì mới kiểm tra đột xuất được.
"Khi thẩm định cấp giấy phép thì tùy vào diện tích, cơ sở vật chất, đội ngũ bảo mẫu, nhân viên… để tính số lượng trẻ mà cơ sở được phép nuôi dưỡng. Thế nhưng nếu nuôi quá số lượng thì khi có thông báo kiểm tra, cơ sở sẽ di chuyển trẻ đến một cơ sở khác. Đó là cách đối phó rất tinh vi. Chẳng hạn như quận 12, hai lần kiểm tra, một lần giám sát không phát hiện gì. Điều kiện cơ sở vật chất, nuôi dạy chăm sóc đều tốt, số lượng đảm bảo", ông Minh nêu.
Tuy nhiên, ông Minh cho rằng không thể phủ nhận công sức, tâm huyết của hàng chục cơ sở bảo trợ còn lại. Với tình trạng nuôi trẻ vượt quá số lượng quy định ở một số cơ sở, phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho rằng vai trò giám sát của địa phương rất quan trọng bởi việc chuyển hàng chục đứa trẻ ra khỏi cơ sở dù là ngày hay đêm đều có thể dễ gây chú ý.
"Địa phương ở đây có thể là ban điều hành khu phố, người dân sinh sống gần đó, cảnh sát khu vực. Sau sự việc này, địa phương cần tăng cường vai trò giám sát và hậu kiểm sau khi cấp giấy phép. Phải xác định các cơ sở bảo trợ là những trọng điểm về an ninh trật tự xã hội, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm... vì liên quan đến yếu tố con người, sinh mạng con người.
Chẳng hạn khi có hỏa hoạn người lớn có thể chạy được nhưng những đứa trẻ thì không thể tự chạy được; bảo mẫu, người chăm sóc không thể bồng bế một lúc 4 - 5 đứa. Đồng thời với trẻ em thì còn có nguy cơ xảy ra các vấn nạn liên quan đến buôn bán trẻ em", ông Minh nhìn nhận.