Vị giáo sư là ‘tứ trụ’ của nền sử học Việt Nam, thông thạo 7 thứ tiếng, thành công nhờ tự học
Giáo sư Hà Văn Tấn sinh năm 1937 tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (cùng làng với đại thi hào Nguyễn Du). Ông từng giữ chức vụ cao nhất là nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, là một trong những nhà sử học hàng đầu của Việt Nam. Ông được mệnh danh là một trong "tứ trụ" sử học Việt Nam, cùng với GS Trần Quốc Vượng, GS Phan Huy Lê, GS.Đinh Xuân Lâm.
"Tứ trụ sử học" Việt Nam đương đại, từ phải sang: GS Đinh Xuân Lâm, GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn, GS Trần Quốc Vượng.
Cuộc đời gần 50 năm nghiên cứu gắn bó với giảng dạy của GS. Hà Văn Tấn là hành trình tự học, tự nghiên cứu không mệt mỏi, xuất phát từ niềm đam mê nghiên cứu sử học. Ông có nhiều đóng góp cho nền sử học Việt Nam, đồng thời còn là học giả uyên thâm về Phật học, có nhiều đóng góp với hàng chục công trình nghiên cứu đồ sộ về khảo cổ, chùa chiền, văn hóa, lịch sử Phật giáo. Ngoài ra, ông còn thông thạo 7 thứ tiếng và sử dụng tốt chữ Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Nhật. Ông học tiếng Đức qua sách tiếng Nga, tiếng Nhật qua sách tiếng Trung Quốc rồi còn tự tìm cách học tiếng Sanskrit (Phạn) - một thứ ngôn ngữ Ấn Độ cổ đại rất khó học thông qua tiếng Đức và Phật học.
GS Hà Văn Tấn bắt đầu nghiên cứu lịch sử từ rất sớm. Năm 1957, ông đã tốt ngiệp đại học ở tuổi 20 và ở lại trường làm cán bộ môn Lịch sử cổ đại Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm. Năm 1960, khi mới 23 tuổi, Hà Văn Tấn đã hiệu đính Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán thế kỷ XV. Ông bắt đầu nghiên cứu khảo cổ học, đến năm 1961, ông và GS.Trần Quốc Vượng đã viết Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam, trình bày những phát hiện mới về thời đại đá.
Từ những năm 70, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Văn Tấn bắt đầu giảng cho sinh viên Khoa Sử các chuyên đề về Sử liệu học, Văn bản học… Đến năm 1982 ông đã đề xuất với Khoa và chuẩn bị mọi điều kiện để thành lập ở Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) bộ môn Phương pháp luận sử học mà sau đó ông được phân công làm chủ nhiệm Bộ môn. Năm 1988, ông về công tác ở Viện Khảo cổ học, sau đó được bổ nhiệm chức danh Viện trưởng Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).
GS.NGND Hà Văn Tấn.
Trong suốt sự nghiệp của mình, GS.Hà Văn Tân đã có nhiều đóng góp quan trọng cho nền lịch sử Việt Nam. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng, trong đó phải kể đến các tác phẩm như : Hiệu đính và chú thích Dư địa chí, Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam; Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam toàn tập; Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam; Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII; Thuật ngữ sử học, dân tộc học khảo cổ học Nga - Việt; Lịch sử Phật giáo Việt Nam; Chùa Việt Nam; Tư tưởng thời kỳ tiền sử và sơ sử; Lịch sử tư tưởng Việt Nam; Triết học Ấn Độ cổ đại…
Các công trình nghiên cứu của GS Hà Văn Tấn đã góp phần quan trọng trong việc xác lập nền tảng khoa học cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Ông đã sử dụng phương pháp luận khoa học để nghiên cứu các nguồn sử liệu đa dạng, từ văn bản, chữ khắc, đến di tích khảo cổ học. Ông đã có những phát hiện mới quan trọng về lịch sử Việt Nam, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lịch sử phức tạp.
GS Hà Văn Tấn cũng là một nhà giáo ưu tú. Ông đã đào tạo nhiều thế hệ học trò trở thành những nhà sử học tài năng. Ông đã có nhiều đóng góp quan trọng cho việc phát triển khoa học lịch sử Việt Nam. Năm 2000, ông được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì và Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ và nhiều giải thưởng khác.
Ngày 27/11/2019, GS. Hà Văn Tấn qua đời, hưởng thọ 82 tuổi. Sự nghiệp của ông là 1 tấm gương sáng cho các nhà khoa học trẻ thế hệ sau noi theo.
Vị giáo sư toán học duy nhất ở Việt Nam là tướng tình báo nổi tiếng, ẩn mình dưới vỏ bọc đặc biệt
Có 3 bằng kỹ sư, 2 bằng tiến sĩ nhưng nhà khoa học tài ba này lại là một sĩ quan tình báo. Có thể nói, ông là trường hợp độc nhất vô nhị ở Việt Nam.