Chân dung cụ ông đặt gần 1.000 tên đường ở TP.HCM: 95 tuổi học gõ máy vi tính, hơn trăm tuổi đi Metro
Dù đã ở tuổi bách niên, cụ ông không học hàm học vị vẫn miệt mài nghiên cứu, để lại nhiều đóng góp to lớn cho đất nước.
Trong lòng thành phố Hồ Chí Minh sầm uất, có một cái tên luôn gắn liền với những con đường, ngõ hẻm thân thuộc. Đó là cụ Nguyễn Đình Tư, một nhà nghiên cứu lão thành, người đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu và đặt tên cho gần nghìn con đường của thành phố. Ở tuổi 104, với trí nhớ minh mẫn và tinh thần học hỏi không ngừng, cụ vẫn miệt mài làm việc, cống hiến cho quê hương.
Cụ Nguyễn Đình Tư sinh năm 1920, quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Dù xuất thân nghèo khó, không có học hàm học vị nào nhưng nhà nghiên cứu này vẫn sở hữu về tri thức với hơn 60 đầu sách nghiên cứu về văn hóa, lịch sử, địa chí, như bộ tiểu thuyết lịch sử Loạn 12 sứ quân, Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954), Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954), Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, dặm dài lịch sử (1698-2020)…
Ở tuổi hơn 100, cụ vẫn minh mẫn, đều đặn tập thể dục mỗi sáng và dành 10 tiếng mỗi ngày để nghiên cứu, cống hiến cho đất nước. Với 1 chiếc kính lúp, 1 chiếc máy vi tính, cụ vẫn miệt mài ghi lại những nghiên cứu của mình. Dù 95 tuổi mới được tiếp xúc với máy vi tính và nhờ cháu chỉ cho, nhưng cụ vẫn rất thành thạo.
Mới đây, cụ khiến nhiều người phải bất ngờ khi trải nghiệm đi tài điện ngầm Metro tuyến Suối Tiên - Bến Thành tại TP.HCM, điều mà tưởng chừng khó khăn với người ở độ tuổi 104 như cụ.
Năm 1996, sau thời gian tự đạp xe khắp các phố phường để viết quyển Đường phố nội thành TP.HCM, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư được mời tham gia Hội đồng đặt, đổi tên đường TP.HCM. Thời điểm đó, cụ chỉ là 1 người dân bình thường, sau này cụ mới trở thành ‘công chức ngoại ngạch’ và được sắp xếp công tác tại Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã đặt và đổi tên gần 1.000 con đường trên khắp các quận, huyện. Ấn tượng nhất là việc đặt tên hai con đường Trường Sa và Hoàng Sa nằm dọc hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ở trung tâm thành phố, khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tên Trường Sa – Hoàng Sa được đặt ở TP.HCM cũng là lần đầu tiên được đặt, sau đó 2 tên này mới dần được lấy để đặt cho tên đường ở Đà Nẵng, Hà Nội…
Những tháng ngày này, nhà nghiên cứu trăm tuổi Nguyễn Đình Tư đang tập trung cao độ để hoàn thành những đầu sách mới như dự định: Từ điển địa danh hành chính Bắc Bộ, Trung Bộ; Lịch sử thành lập và phát triển các tỉnh Bắc Bộ - Trung Bộ - Nam Bộ và Tây Nguyên… Không chọn nghỉ ngơi mà vẫn hăng say lao động trí óc, cụ gọi việc viết sách chính là thú tiêu khiển, là niềm vui thích.