Ngôi chùa 2.500 tuổi nổi tiếng Đông Nam Á: Dát 90 tấn vàng, nạm 4.500 viên kim cương
Đây là ngôi chùa là biểu tượng linh thiêng của Myanmar, được tu bổ nhiều lần, dát 90 tấn vàng và nạm đến 4.500 viên kim cương, viên to nhất nặng 76 carat.
Chùa Shwedagon tọa lạc trên đỉnh đồi Singuttara ở Yangon, Myanmar. Ngôi chùa được xem là biểu tượng linh thiêng nhất của Phật giáo tại Myanmar và là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất Đông Nam Á.
Theo truyền thuyết, chùa Shwedagon được xây dựng từ hơn 2.500 năm trước, để thờ phụng tám sợi tóc của Phật Thích Ca Mâu Ni. Nhưng theo các nghiên cứu khoa học thời hiện đại, công trình kiến trúc này có từ khoảng thế kỷ thứ VI, Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chùa Shwedagon đã được trùng tu nhiều lần, với diện mạo hiện tại được hoàn thiện vào thế kỷ 18.
Kiến trúc của chùa Shwedagon vô cùng ấn tượng với tòa tháp chính cao gần 110 mét, được dát vàng rực rỡ, ước tính số vàng được dát lên tới 90 tấn. Bao quanh tòa tháp chính là vô số công trình kiến trúc phụ, đền đài, tượng Phật và các khu vườn thanh tịnh. Đáng chú ý, trên đỉnh của tòa tháp này gắn hơn 4.500 viên kim cương, trên cùng là viên kim cương to nhất nặng 76 carat. Ngoài ra, đỉnh tháp còn treo tổng cộng 1065 chiếc chuông vàng và 421 chiếc chuông bạc. Dưới ánh sáng ban ngày cũng như ánh đèn lúc về đêm, ngôi chùa luôn phát ra những tia sáng lấp lánh.
Chùa Shwedagon không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo mà còn là một địa điểm tâm linh quan trọng đối với người dân Myanmar. Hàng năm, hàng triệu du khách và tín đồ Phật giáo từ khắp nơi trên thế giới đến viếng thăm chùa để cầu bình an, may mắn và thanh lọc tâm hồn. Cũng chính nhờ vào ngôi chùa mang tính biểu tượng này, Myanmar mới được mệnh danh là đất nước Chùa Vàng. Người ta còn nói rằng, nếu đến Myanmar mà không ghé thăm chùa Shwedagon sẽ là 1 thiếu sót lớn.