Hơn 50% vụ cháy bắt nguồn từ sự cố điện, chuyên gia đưa ra lời khuyên ai cũng nên lưu ý
Chỉ riêng từ đầu năm đến nay cả nước đã có hàng nghìn vụ cháy xảy ra gây thiệt hại lớn về người và của, nguyên nhân chủ yếu là do sơ xuất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Các chuyên gia đưa ra loạt lời khuyên sau đây, ai cũng nên lưu ý.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), trong giai đoạn từ 2012 - 2020, có hơn 27.500 vụ cháy, trong đó khoảng 14.200 vụ có nguyên nhân từ sự cố hệ thống điện (chiếm 51,9%).
Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước đã có 1.555 vụ cháy nổ làm 28 người chết và 26 người bị thương, thiệt hại ước tính 89,8 tỷ đồng. Riêng trong tháng 4, toàn quốc xảy ra 372 vụ cháy. Đáng lưu ý, cháy vẫn chủ yếu xảy ra tại địa bàn thành thị với 218 vụ (chiếm 58,6%). Trong đó có 39% (145 vụ) cháy ở nhà dân, 20 vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (chiếm 5,4%). Đặc biệt, có tới 75,5% vụ cháy xảy ra là do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện,15,7% do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt.
Trước những vụ cháy nổ xảy ra với tần xuất cao, cơ quan chức năng cũng đưa ra những chỉ đạo rà soát, thực hiện nghiêm việc xử lý các cơ sở trên địa bàn không đảm bảo yêu cầu về PCCC đồng thời nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy mùa nắng nóng của người dân.
Theo TS.Bùi Hùng Thắng, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và triển khai công nghệ, Viện Khoa học Vật liệu (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) cho biết, việc phòng chống nguy cơ cháy nổ do hệ thống điện là rất quan trọng, đặc biệt trong mùa hè khi nhiệt độ cao và việc tiêu thụ điện năng tăng mạnh. Để giảm thiểu nguy cơ từ sự cố hệ thống và các thiết bị điện, cần chú ý đến một số biện pháp sau:
Đối với đường dây điện, ổ điện, phích cắm
Đường dây điện là yếu tố quan trọng kết nối nguồn điện với các thiết bị nên cần kiểm tra toàn bộ đường dây để đảm bảo an toàn, tránh các trường hợp dây điện bị hở, dây bị chuột gặm, dây bị xuống cấp theo thời gian, các mối nối dây điện bị lỏng hoặc băng dính điện bị xuống cấp gây hở điện,… Những vấn đề trên rất dễ gây ra nguy cơ chập cháy, đặc biệt trong mùa hè khi nhiệt độ cao và công suất tiêu thụ điện từ các thiết bị lớn.
Ngoài ra, nên sử dụng aptomat cho hệ thống điện. Đặc biệt, nên chọn loại có chức năng chống giật để hạn chế tối đa nguy cơ sự cố điện giật hoặc chập cháy do quá tải, chập điện.
Đối với thiết bị có sử dụng pin, ắc-quy tích điện lithium
Các thiết bị có sử dụng pin, ắc quy tích điện nên được kiểm tra định kì thường xuyên đảm bảo chất lượng và an toàn về phòng chống cháy nổ. Cần thay thế pin, ắc quy kém chất lượng, hết thời gian sử dụng cho phép. Pin và ắc-quy thay thế cần phải chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, tránh sử dụng sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc và chất lượng thấp trên thị trường.
Ngoài ra không nên sạc các thiết bị này quá thời gian quy định, đặc biệt chú ý không sạc qua đêm tránh hiện tượng quá nóng, quá tải dẫn đến chập, cháy nổ. Bên cạnh đó, các thiết bị này cần được sạc ở nơi thông thoáng, tránh xa những vị trí dễ gây cháy nổ.
Đối với địa điểm kinh doanh, cửa hàng, nhà kho
Các địa điểm kinh doanh, cửa hàng, nhà kho... là nơi có nhiều vật dụng, đồ dùng, hàng hóa, vật tư dễ cháy nổ. Vì vậy TS. Bùi Hùng Thắng khuyến cáo người dân cần tiến hành rà soát kỹ lưỡng các nguy cơ cháy nổ liên quan đến hệ thống điện như đã đề cập ở trên.
Đồng thời, hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị điện có công suất lớn tại các địa điểm kinh doanh, cửa hàng, nhà kho có nhiều vật dụng, đồ dùng, hàng hóa dễ cháy nổ. Các thiết bị điện sử dụng tại những nơi này nên được chọn loại có chức năng phòng chống cháy nổ để đảm bảo sự an toàn.