Phát hiện mộ tập thể 5.000 năm tuổi ở Tây Ban Nha, tiết lộ những bí mật rùng mình
Hơn 5.000 năm trước, hàng trăm người bao gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã được chôn trong một ngôi mộ tập thể ở Tây Ban Nha. Mới đây, các nhà khảo cổ học đã tách những bộ xương này ra để phân tích, tiết lộ bằng chứng mới về chiến tranh thời cổ đại.
Năm 1991, 300 bộ xương người lần đầu tiên được khai quật tại hầm đá San Juan ante Portam Latinam (SJAPL), nằm ở thị trấn Laguardia phía bắc Tây Ban Nha. Bằng phương pháp đo carbon phóng xạ cho thấy những bộ xương này có niên đại từ năm 3380 đến 3000 trước Công nguyên, và được phát hiện trong một ngôi mộ tập thể. Các nhà khảo cổ cũng phát hiện ra hàng chục đầu mũi tên và lưỡi dao bằng đá lửa, cùng với rìu đá và đồ trang trí cá nhân trong ngôi mộ này.
Các nhà nghiên cứu ban đầu kết luận rằng đây có thể là bằng chứng về một vụ thảm sát thời đồ đá mới. Nhưng một phân tích mới về các bộ xương SJAPL đã tiết lộ rằng những người này rất có thể đã bị giết trong các cuộc đột kích hoặc trận chiến riêng biệt trong khoảng thời gian vài tháng hoặc nhiều năm.
Chia sẻ trên tạp chí Scientific Reports ngày 2/11, tác giả đầu tiên Teresa Fernández-Crespo, một nhà khảo cổ học tại Đại học Valladolid ở Tây Ban Nha, và nhóm của bà đã mô tả những vết thương đã lành và chưa lành trên các bộ xương SJAPL. Họ tìm thấy tổng cộng 107 vết thương ở sọ, hầu hết đều nằm trên đỉnh hộp sọ và có khả năng tương ứng với chấn thương do lực tác động mạnh, chẳng hạn như những cú đánh từ chùy đá hoặc dùi cui gỗ. Các nhà nghiên cứu nhận thấy số nam giới bị chấn thương sọ não gần gấp năm lần so với nữ giới.
Các vết thương trên những bộ phận còn lại của bộ xương cũng đã được kiểm tra. Nhóm nghiên cứu đã phát hiện 22 trường hợp chấn thương - chủ yếu là gãy xương xoắn ốc hoặc hình chữ V - ảnh hưởng đến các chi, cũng như 25 trường hợp bị thương ở các bộ phận khác của cơ thể. Giống như các vết thương ở hộp sọ, những vết thương này dường như xuất hiện nhiều hơn ở nam giới, cao gần gấp 4 lần so với phụ nữ. Chấn thương ở đầu bằng mũi tên cũng có mối liên hệ chặt chẽ với bộ xương của nam giới, cho thấy nam giới thường xuyên phải hứng chịu bạo lực nhiều hơn phụ nữ.
Nhìn chung, trong ngôi mộ tập thể này có đến 97,6% nam thanh niên và người trưởng thành có vết thương chưa lành và 81,7% vết thương đã lành. Theo các tác giả nghiên cứu, điều này cho thấy rằng ngôi mộ tập thể đại diện cho "một hoặc nhiều 'lớp chiến tranh' do các trận chiến hoặc các cuộc đột kích mà sự tham gia của nam giới chiếm ưu thế.
Fernández-Crespo nói với Live Science trong email: “Chúng tôi nghĩ rằng ngôi mộ tập thể này là kết quả của cuộc xung đột giữa các nhóm trong khu vực” tại SJAPL. Bà nói: “Cạnh tranh tài nguyên và sự phức tạp của xã hội có thể là nguồn gốc gây căng thẳng, có khả năng biến thành những cuộc thảm sát” giữa các cộng đồng. Mỗi cộng đồng thời kỳ đồ đá mới này gồm vài trăm người - chủ yếu là nông dân, những người trồng lúa mì, lúa mạch và chăn nuôi cừu, gia súc và lợn."
Ryan Harrod , nhà khảo cổ sinh học tại Đại học Alaska Anchorage, người không tham gia vào nghiên cứu, nói với Live Science qua email: “Nghiên cứu này trình bày một trường hợp thuyết phục về xung đột giữa các khu vực trong đó các chiến binh nam chết trong trận chiến” . Harrod nói: “Thực tế trong các bộ xương có 338 người đã lành, điều này có thể cho thấy rằng các cuộc đụng độ trong khu vực không phải là những trận chiến lớn hay chiến tranh hoành tráng.”
Sự kết hợp của các bằng chứng từ SJAPL, bao gồm chấn thương do mũi tên và các dấu hiệu về sức khỏe kém của bộ xương, cùng với áp lực dân số cao và sự hiện diện của các nhóm văn hóa khác nhau, có thể đã tạo ra một cuộc khủng hoảng cách đây 5.000 năm, dẫn đến kết quả mà các nhà nghiên cứu đưa ra.
Phát hiện di cốt 10.000 năm tuổi ở vùng lõi quần thể danh thắng Tam Chúc, Hà Nam
Việc phát hiện ra ngôi mộ trẻ em và người trưởng thành có niên đại khoảng 10.000 năm giúp ích cho quá trình nghiên cứu của các nhà khoa học.