Cây trôi cổ thụ gần 800 tuổi được công nhận là cây di sản Việt Nam: Tán cây rộng 1.000m2, 4 người ôm không hết
Cây trôi là loài cây thuộc họ của cây kéo, muỗm, xoài, tuy nhiên quả trôi nhỏ hơn và chua hơn. Không nhiều người biết đến quả trôi thế nhưng đối với những người dân ở thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn thì không mấy xa lạ với loại quả này. Bởi ở tại quần thể Khu Di tích lịch sử Chùa Thầy thuộc thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội có cây trôi cổ thụ đã gần 800 năm tuổi vẫn kết quả xum xuê. Cây trôi gắn với bao thế hệ con người nơi đây và từng là nơi vui chơi của hầu hết những đứa trẻ trong làng.
Cây trôi này có tán rộng gần 1.000 m2, chiều cao khoảng 20 m, đường kính 1,44 m, chu vi thân cây là 4,46 m. Thân cây xù xì, nhiều rễ phụ bám vào đất tạo thành một dáng vẻ vô cùng kỳ thú. Cây có nhiều cành nhánh vươn dài, phủ bóng mát cả một vùng.
Theo các nhà nghiên cứu, cây trôi độ tuổi khoảng 800 năm tuổi, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử từ thời chiến tranh đến thời bình. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, gốc cây trôi là nơi dân làng đã tập kết lương thực thực phẩm để cho dân công vận chuyển đến các vùng chiến khu kháng chiến.
Cây trôi cổ thụ không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa mà còn có ý nghĩa tâm linh đặc biệt. Người dân địa phương coi cây là một báu vật của làng, là biểu tượng của sức sống mãnh liệt và sự thịnh vượng. Hễ năm nào cây trôi sai quả là năm đó mua thuận gió hòa, người dân làm ăn may mắn.
Năm 2016, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) phối hợp với UBND xã Sài Sơn- huyện Quốc Oai tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận cây trôi cổ thụ tại thôn Thụy Khuê- xã Sài Sơn là cây di sản Việt Nam.
Việc bảo tồn và giữ gìn được cây cổ thụ có tuổi đời lên tới gần nghìn năm tuổi vẫn xanh tươi tốt là vô cùng quý giá.
(Nguồn ảnh: Dân Việt)
Cây cổ thụ đầu tiên tại Đà Nẵng được công nhận là Cây di sản, có tuổi đời 1000 năm
Nằm tại tiểu khu 63, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, cây cổ thụ này đã được công nhận là Cây di sản đầu tiên của Đà Nẵng.