Những tổn thương tinh thần nghiêm trọng mà trẻ em ở Mái ấm Hoa Hồng phải đối mặt sau khi bị bạo hành
Sau khi liên tục bị các bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng (TPHCM) bạo hành, các trẻ không chỉ bị tổn thương về mặt thể chất, mà còn phải đối mặt với những tổn thương về tinh thần.
Suốt những giờ qua, vụ việc các trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng (TPHCM) bị các bảo mẫu bạo hành thu hút sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Đối với hành vi này, TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội) nhận định sẽ có thể gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tâm thần của trẻ trong nhiều năm về sau.
“Ngay trước mắt, những hành vi bạo hành có thể gây ra tổn thương rất nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần cho trẻ. Về sau, ‘vết thương’ thời thơ ấu này sẽ là yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng xuất hiện các bệnh lý tâm thần như: rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, rối loạn về thách thức chống đối xã hội”, BS Thu cho hay.
Không chỉ thế, TS.BS Trần Thị Hồng Thu còn cho rằng, khi đối mặt với các hành vi bạo hành, trẻ có hai xu hướng tự vệ: Thu rút lại hoặc bùng nổ. Đối với trẻ nhỏ bị bạo hành, thường sẽ có xu hướng thu rút lại.
Về lâu dài, dẫn đến việc trẻ ngại chia sẻ, không sống đúng với bản thân mình. Hệ quả, trẻ có thể bị rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm, rối loạn hành vi. Thậm chí, những vấn đề này có thể dẫn đến thất bại trong học tập của trẻ và xa hơn là sự thành công của trẻ trong tương lai.
“Trường hợp trẻ bị bạo hành có thể tự tìm những cách để giải tỏa sự ức chế. Điều này dẫn đến việc trẻ có hành vi manh động, có quyết định lệch chuẩn, cảm thấy bản thân không cần thiết phải nghe lời, dễ bị các băng nhóm tiêu cực ngoài xã hội lợi dụng, dụ dỗ. Một nguy cơ khác, dù xác suất thấp hơn, trẻ bị bạo hành trong quá khứ sẽ có xu hướng bạo hành người khác trong tương lai”, BS Thu phân tích.
Chia sẻ về giải pháp để trẻ có một tương lai tươi sáng hơn sau khi bị bạo hành liên tục, BS Thu cho rằng: “Điều các trẻ cần nhất lúc này là sự yêu thương, đùm bọc của người nuôi dưỡng để dần xoa dịu những vết thương trong tâm hồn non nớt của trẻ. Ngoài ra, việc trẻ được thăm khám, kiểm tra các vấn đề về tâm lý, sức khỏe tâm thần để phát hiện kịp thời các vấn đề và có hướng điều trị cũng đặc biệt cần thiết”.