Người đàn ông lái xe ô tô kể lại giây phút chứng kiến cảnh sập cầu Phong Châu ngay trước mắt
Sau khi trải qua giây phút thoát chết trong gang tấc, người đàn ông 36 tuổi, thị trấn Thanh Thủy (Phú Thọ) vẫn chưa hết bàng hoàng.
Vào sáng ngày 9/9, anh Lĩnh 36 tuổi, thị trấn Thanh Thủy (Phú Thọ) lái xe ô tô đưa một người bác từ nhà vào TP Việt Trì. Trong quá trình di chuyển qua cầu, anh nhận thấy nước sông Hồng có sự khác biệt so với mọi ngày, trở nên đục và chảy xiết hơn.
Đến gần 10h, khi đã giải quyết xong việc riêng, hai bác cháu anh Lĩnh lại lên xe để trở về nhà. Khi đi lên cầu Phong Châu từ hướng Việt Trì, anh thấy các phương tiện di chuyển bình thường.
Tuy nhiên, vào đúng 10h2 phút, khi vừa đi qua một nhịp cầu, đến nhịp cầu cuối sát với đường giao thông, anh Lĩnh nghe một tiếng uỳnh. “Nhìn qua gương chiếu hậu, tôi thấy đuôi của chiếc xe tải thứ hai rơi xuống sông. Hai bác cháu tôi bàng hoàng nhận ra mình vừa thoát chết trong tích tắc”, anh Lĩnh chia sẻ.
Tại giây phút đó, anh Lĩnh tận mắt chứng kiến cảnh có người và phương tiện giao thông rơi xuống sông, bị nước cuốn trôi. Trong lúc đang lái xe đi hết nhịp cầu cuối, anh nhanh chóng quay xe trở lại thì thấy người dân từ hai bên đường đổ xô ra hô lớn: “Sập cầu rồi!”.
Trước khi đi lên cầu, anh Lĩnh đã dừng đèn đỏ ở đoạn đường đôi. Nếuđèn đỏ kéo dài thêm mấy giây, anh sẽ phải đối diện với cảnh bị rơi xuống sông. Có thể bị dòng nước cuốn trôi trong tích tắc.
Được biết, sau 10 phút cầu bị sập, có nhiều người dân hiếu kỳ chạy ra sát nhịp cầu bị sập quan sát. Thấy vậy, anh Lĩnh vô cùng lo sợ nên đã cố gắng khuyên họ quay trở lại phần đường nhựa để đảm bảo an toàn.
“Vì vừa thoát nạn trong gang tấc nên tôi thấy mọi người tò mò như thế là quá nguy hiểm”, anh Lĩnh nói.
Báo cáo của Sở GTVT tỉnh Phú Thọ liên quan vụ sập cầu Phong Châu cho biết bão số 3 đã gây ra mưa lũ, khiến nước sông Hồng dâng cao. Lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình lòng sông, kéo đổ trụ T7 và làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu (nhịp 6 và 7) lúc 10h02 ngày 9/9.
Cầu Phong Châu nằm trên quốc lộ 32C qua tỉnh Phú Thọ. Cầu được xây dựng bằng thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với quy mô vĩnh cửu, được bàn giao đưa vào khai thác sử dụng năm 1995.
Phần đường xe chạy rộng 7m; lề người đi mỗi bên 1m; tổng bề rộng mặt cầu 9,5m. Cầu gồm 8 nhịp. Các nhịp 33m là nhịp dầm bê tông cốt thép (N1 đến N4) và các nhịp dàn thép (N5, N6, N7). Các trụ cầu (T1 đến T7) bằng bê tông cốt thép.