Cây gỗ quý hiếm 1500 tuổi - di sản của Việt Nam: ‘Thần mộc’ cao 70m, được bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt
Quần thể sa mu, pơ mu thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nằm ở vùng rừng thượng nguồn sông Chu thuộc xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, Thanh Hoá (cách trung tâm thành phố Thanh Hóa hơn 180 km) có rất nhiều cây trăm tuổi. Trong đó, nổi bật nhất là cây sa mu dầu gần 1.500 tuổi sống ở độ cao khoảng 1.400 m so với mực nước biển, giáp biên giới Việt Lào.
Cây có tên khoa học là Cunninghamia konishii hay còn gọi là sa mộc dầu, mạy lâng lênh thuộc họ nhà thông. Gốc cây có đường kính gần 4 m, thân thẳng đứng, cao khoảng 70 m. Năm 2013, cây được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên còn có một cây pơ mu cổ thụ hơn 1.000 tuổi sống ở ngọn núi cao hơn 1.300 m so với mực nước biển, đường kính gần 3 m, thân thẳng tắp, cao khoảng 60 m. Cây có vỏ màu nâu xám với các vết nứt dọc. Lá cây trưởng thành mọc thành các cặp chéo chữ thập, gỗ có mùi thơm dịu. Năm 2013, cây pơ mu cũng được xếp hạng cây di sảnViệt Nam.
Bên cạnh đó, trong rừng còn có khoảng 35-40 cây khác có đường kính từ một mét trở lên, tuổi đời trên dưới 1.000. Những cây lớn loại này chủ yếu phân bố từ độ cao 700 m trở lên, bởi địa hình núi cao, khí hậu mát mẻ quanh năm là điều kiện thuận lợi cho loài cây hạt trần họ thông phát triển.
Theo chia sẻ của ông Lê Quang Đạo - kiểm lâm viên trạm bản Vịn, rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã tới đây nghiên cứu, đánh giá rừng pơ mu, sa mu tại Xuân Liên. Kết quả, nơi đây được xem là một trong những quần thể cây hạt trần có tuổi đời lớn nhất, số lượng tập trung dày đặc nhất Việt Nam hiện nay và được xem như kho báu của Thanh Hóa.
Nói về phương án bảo vệ khu rừng và hai cây nghìn năm tuổi, ông Lang Hồng Tuyên - Bí thư chi bộ kiêm trưởng bản Vịn cho biết: “Cả bản có 180 hộ chủ yếu là người Thái, tất cả đều coi hai cây nghìn năm tuổi là ‘thần mộc’ và bảo vệ nghiêm ngặt. Dân bản hàng trăm năm nay sống dựa vào rừng. Chính những cánh rừng nguyên sinh là nơi khởi nguồn, cung cấp nước cho sinh hoạt và trồng trọt, vì thế chúng tôi luôn nhắc nhở nhau cùng giữ rừng như bảo vệ nguồn sống của mình”.
Cũng nhờ bảo vệ được những cánh rừng quý hiếm mà người dân bản Vịn có cơ hội tìm sinh kế mới khi du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm được quan tâm đầu tư. UBND huyện Thường Xuân đã quy hoạch xây dựng bản Vịn thành điểm du lịch cộng đồng kết hợp du lịch khám phá nhằm khai thác thế mạnh hiện có, hướng tới phát triển du lịch xanh và bền vững.
Để đến khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, từ bản Vịn, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, khách cần thêm chừng ba giờ đi bộ đường rừng và phải có cán bộ kiểm lâm, người dân bản địa làm hoa tiêu giúp băng qua nhiều con suối, đèo dốc khúc khuỷu.
Làng trồng 24,4ha gỗ quý trăm năm tuổi ở Việt Nam: Nổi tiếng cả nước, được dân làng bảo vệ 24/24
Khu rừng có diện tích 24,4ha với hàng nghìn cây gỗ quý trăm tuổi, đường kính từ 60 - 150 cm, nhiều cây có thân to phải 2 - 3 người lớn mới ôm xuể.