Đời sống

Vị cố GS là nhà khoa học về nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, ‘Cha đẻ’ của nhiều giống lúa ngon

Vị cố GS là nhà khoa học về nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, ‘Cha đẻ’ của nhiều giống lúa ngon

Trong suốt gần nửa thế kỷ qua, G.S Võ Tòng Xuân đã đưa Việt Nam từ một quốc gia thiếu lương thực trở thành một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Cố GS. TS. Võ Tòng Xuân sinh năm 1940 tại Ba Chúc, Tri Tô, An Giang. Ông được biết đến là chuyên gia hàng đầu, có nhiều đóng góp trong lĩnh vực khoa học, nghiên cứu về nông nghiệp của Việt Nam. Ông cũng là chuyên gia nông nghiệp của Việt Nam hỗ trợ vấn đề an ninh lương thực cho các nước trong khu vực.

Vi-co-gs-ts-la-nha-khoa-hoc-ve-nong-nghiep-hang-dau-viet-nam-cha-de-cua-nhieu-giong-lua-ngon
Ảnh: Báo Lao Động

Theo chia sẻ của cố GS. TS. Võ Tòng Xuân, từ thời còn học trung học, ông đã ấp ủ mong muốn làm sao phải thay đổi đời sống của người nông dân Việt Nam. “Thời ấy, cứ mỗi lần vào vụ mùa, tôi lại thấy dì dượng của mình làm việc vô cùng vất vả, và cuộc sống của người nông dân Việt Nam nhìn chung rất cực khổ. Từ đó, tôi muốn làm thế nào để học thật tốt, rồi tham gia cải thiện cuộc sống của người nông dân để dân ta bớt khổ”, GS. Xuân chia sẻ.

Năm 1969, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ Nông hóa tại Đại học Nông nghiệp Philippin, ông được Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) nhận vào làm. Trong thời gian này, GS. Xuân đã đi tiên phong trong việc phổ biến mô hình khuyến nông trực tiếp trên đất nước Philippin.

Năm 1971, sau khi đã lĩnh hội được những kiến thức về nông nghiệp nhất định, ông quyết định về nước với mong muốn giúp nông dân trồng lúa hiệu quả hơn, đời sống người nông dân được cải thiện.

Đến năm 1976, bước ngoặt trong hành trình cải thiện nông nghiệp Việt Nam của GS. Xuân mới chính thức diễn ra. Vào thời điểm đó, giống lúa TN73-2, IR26 của nông dân đồng bằng sông Cửu Long bị hư hỏng hàng loạt bởi rầy nâu Biotyp-2. Không ít hộ gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, phải bán hết gia tài trong nhà để khắc phục.

Trước tình thế trên, GS. Xuân đã tìm cách liên hệ với Viện IRRI để tìm sự trợ giúp. May mắ thay, ông được TS. Gurdev Khush (Viện IRRI) gửi 5g hạt giống lúa IR36 qua đường bưu điện. 

Sau khi nhận lúa giống, GS. Xuân ngày đêm thử nghiệm các phương pháp cấy lúa để tìm ra cách nhân giống nhanh nhất có thể. Kết quả, chỉ trong một thời gian ngắn, phương pháp cấy 1 tép/bụi do chính GS. Xuân mày mò, ra đời. Phương pháp này bao gồm việc phát triển cây lúa được 3 nhánh, thì tách ra, rồi cấy 1 tép/bụi.

Vi-co-gs-ts-la-nha-khoa-hoc-ve-nong-nghiep-hang-dau-viet-nam-cha-de-cua-nhieu-giong-lua-ngon-1
Ảnh: Báo Lao Động

Tiếp đến, ông trực tiếp trò chuyện và thuyết phục lãnh đạo trường Đại học Cần Thơ đóng cửa toàn trường và nhờ sinh viên chung tay giúp nông dân đồng bằng sông Cửu Long đánh “giặc” rầy nâu.

Cùng lúc đó, G.S Xuân và các đồng nghiệp đã trực tiếp chia sẻ cho hơn 2.000 sinh viên 3 phương pháp cơ bản, gồm: Sản xuất mạ, chuẩn bị đất cấy và kỹ thuật cấy lúa 1 tép/bụi. Nhờ vậy, sau 3 tháng, từ 5g hạt giống ban đầu, người dân nơi đây đã thu về hơn 2 tấn giống.

Chưa dừng lại ở đó, GS. Xuân tiếp tục đồng hành cùng bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long, đưa giống lúa IR36 phủ kín khắp các vùng lúa cao sản. Cũng nhờ vậy, người nông dân không chỉ đánh bay “giặc” rày nâu, mà còn bội thu.

Sau đó, GS. Xuân còn mở rộng khả năng tiếp cận với hạt lúa chất lượng và tăng cường sản lượng lúa gạo với chi phí thấp hơn mà không sử dụng hóa chất độc hại. Nhờ vậy, đến năm 1980, giống lúa IR36 đã tạo ra đột phá, được sử dụng trên toàn cầu với diện tích canh tác lên đến 11 triệu héc-ta. Vào năm 2000, bà con đồng bằng sông Cửu Long đạt sản lượng lúa IR36 lên đến 600 triệu tấn.

Năm 2022, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trường Đại học Nam Cần Thơ tổ chức Lễ trao tặng “Huân chương Mặt trời mọc, Tia sáng vàng và Ruy băng cổ” của Chính phủ Nhật Bản cho Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư (GS), Tiến sĩ (TS) Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ.

Vào tối 20/12/2023, G.S Xuân cùng người đồng nghiệp - GS Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn) được vinh danh ở hạng mục Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển. 

Vi-co-gs-ts-la-nha-khoa-hoc-ve-nong-nghiep-hang-dau-viet-nam-cha-de-cua-nhieu-giong-lua-ngon-4
G.S Võ Tòng Xuân được vinh danh ở hạng mục Giải Đặc biệt VinFuture 2023. Ảnh: Internet

Theo đánh giá của Hội đồng giải thưởng VinFuture, GS Xuân đã đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến giống IR36 trên khắp các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở Đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác với nông dân để áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến. 

Những đóng góp của GS Võ Tòng Xuân trong suốt gần nửa thế kỷ qua ở Việt Nam cũng được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Việt Nam từ một quốc gia thiếu lương thực trở thành một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Vi-co-gs-ts-la-nha-khoa-hoc-ve-nong-nghiep-hang-dau-viet-nam-cha-de-cua-nhieu-giong-lua-ngon-3
Ảnh: Báo Lao Động

Đến sáng 19/8/2024, ông Võ Tòng Anh, con trai trưởng của GS.TS Võ Tòng Xuân xác nhận GS.TS, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ đã qua đời vào hồi lúc 7h27 cùng ngày tại bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh.

Dù được các bác sĩ tận tình điều trị, chăm sóc nhưng do tuổi cao, GS.TS Võ Tòng Xuân đã không qua khỏi sau thời gian dài chống chọi với bệnh hiểm nghèo.