Đời sống

Gia đình hiếm hoi ở Việt Nam có 2 cha con cùng được ghi danh trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu

Gia đình hiếm hoi ở Việt Nam có 2 cha con cùng được ghi danh trên bia Tiến sĩ ở Văn Miếu

Bên cạnh 2 cha con tiến sĩ làm quan to, hiện dòng họ này đã có đến hàng chục người là thạc sĩ, tiến sĩ.  

Tại vùng đất Kinh Bắc xưa, dòng họ Giáp nổi danh khắp làng Dĩnh Kế (nay thuộc thành phố Bắc Giang) vì truyền thống khoa bảng, hiếu học. Trong đó, phải kể đến Trạng nguyên Giáp Hải (1517-1586) - người được ghi danh tại văn bia ở Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), với gần 50 năm làm quan phụng sự 5 đời vua nhà Mạc.

Dựa vào ghi chép lịch sử gia tộc, ông Giáp Đại Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáp tộc Việt Nam cho biết, họ Giáp hình thành vào khoảng thế kỷ thứ X, là đại tộc thành danh trạng nguyên, tiến sĩ. 

Gia-dinh-hiem-hoi-o-viet-nam-co-2-cha-con-cung-duoc-ghi-danh-tren-bia-tien-si-o-van-mieu-1
Ông Giáp Đại Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáp tộc Việt Nam

Theo gia phả và sách đá phát hiện ở thôn Cốc (xã Dĩnh Trì), cha của trạng nguyên Giáp Hải là cụ Giáp Hà, thuộc làng Dĩnh Kế, hiểu biết kinh sử, sáng suốt sự lý. Không chỉ thế, cụ còn chăm chỉ làm ruộng để đem thóc lúa cứu giúp kẻ khó khăn, lấy đó làm việc nghĩa.

Đồng thời, cụ Giáp Hà còn dốc hết tâm sức để dạy dỗ con cái học hành, thi cử. Chính vì thế, từ nhỏ, Trạng nguyên Giáp Hà đã được cha cho học hành chu tất. Để không phụ lòng cha, Giáp Hải ngày ngày thả trâu ở đồi Kế và ngồi trên một tảng đá để học bài. 

Gia-dinh-hiem-hoi-o-viet-nam-co-2-cha-con-cung-duoc-ghi-danh-tren-bia-tien-si-o-van-mieu-3
Ảnh minh họa

Do quá mải mê học nên Giáp Hải đã quên cả việc ăn uống, chỉ thường múc nước giếng bên cạnh để uống tạm. Tối đến, ông rang một túi hạt hồ tiêu để phòng buồn ngủ lấy ra nhấm nháp cho miệng cay cay để có tinh thần học tiếp.

Sau khi đã học hết các kiến thức từ các ông đồ trong vùng, Giáp Hải được cha cho lên kinh đô học. Đến năm 1538, khi mới 21 tuổi, trong số 36 người đỗ tiến sĩ, Giáp Hải đỗ đầu và trở thành trạng nguyên. 

Từ năm 1540, Giáp Hải lên làm quan, đổi tên thành Giáp Trừng do kỵ tên húy của vua Mạc Phúc Hải. Theo lịch sử ghi chép, ông được đánh giá là trung thần nhà Mạc, thanh liêm chính trực. 

Không chỉ có tài ngoại giao, Giáp Hải còn văn chương uyên bác. Ông từng làm Thượng thư của cả 6 Bộ (Bộ Lễ, Bộ Lại, Bộ Công, Bộ Hình, Bộ Hộ, Bộ Binh) kiêm Đông các, tước Sách quận công,…

Đến năm 1585, sau nhiều lần xin từ chức, ông mới được vua Mạc Mậu Hợp đồng ý. Đồng thời ban cho lá cờ thêu đôi câu đối: “Trạng đầu, Tể tướng, đẩu Nam tuấn/Quốc lão, Đế sư, thiên hạ tôn” (Nghĩa là: Trạng nguyên, quan Tể tướng như sao Bắc Đẩu trời Nam sừng sững/Bậc Quốc lão, thầy dạy vua được thiên hạ tôn vinh).

Nhờ sự dạy dỗ tận tình của cha, con trai của Giáp Hải là Giáp Lễ cũng đỗ tiến sĩ năm 1568 và cùng cha ra làm quan nhà Mạc. Cũng từ đó về sau, nhiều con cháu họ Giáp cũng đỗ đạt làm quan và có nhiều công trạng. 

Điển hình là cụ Giáp Nguyên Khoa (1690-1780), từng giữ chức Thượng thư Bộ Lại Nội giám thời vua Lê Dụ Tông; cụ Giáp Đình Liên (thế kỷ XVIII) làm quan Thái giám, triều đình Lê Cảnh Hưng; cụ Giáp Phúc Chính được phong Anh liệt Tướng quân Đô chỉ huy sứ thời Lê…

Theo ông Giáp Đại Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáp tộc Việt Nam, dòng họ có cuốn sổ vàng ghi chép chi tiết từng người, số lượng, thời gian, thành tích học tập, đỗ đạt. Hiện nay dòng họ đã có hàng chục người là thạc sĩ, tiến sĩ.

Gia-dinh-hiem-hoi-o-viet-nam-co-2-cha-con-cung-duoc-ghi-danh-tren-bia-tien-si-o-van-mieu-2

Nhà lưu bia thờ thân phụ Trạng nguyên và Trạng nguyên Giáp Hải tại Đồi Cốc. Ảnh: Vietnamner

Tại thành phố Bắc Giang hiện nay cũng có một ngôi trường mang tên Trang nguyên Giáp Hải, 2 con đường mang tên Trạng nguyên Giáp Hải và Tiến sĩ Giáp Lễ.