Loại gỗ đắt nhất thế giới: Có hình dáng kỳ lạ, 200 năm mới trưởng thành và giá hơn 300 triệu/m3
Mặc dù có giá thành đắt bậc nhất thế giới, nhưng loại gỗ này luôn trong tình trạng cháy hàng nhờ có độ bền cao và ít bị phân hủy.
Gỗ đen châu Phi cứng là một loại cây nhỏ điển hình, chỉ có thể được tìm thấy ở phía nam sa mạc Sahara. Nó phát triển ở các vùng xavan khô cằn ở miền nam và miền trung châu Phi.
Thông thường, cây chỉ cao tối đa khoảng 15 mét (chiều cao trung bình khoảng 8 mét), có hình dáng kỳ lạ và chưa trưởng thành hoàn toàn cho đến khi khoảng 200 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, do nhu cầu sử dụng gỗ ngày càng tăng nên cây được thu hoạch ở độ tuổi từ 70 đến 80 năm, với đường kính từ 30cm đổ lại.
Theo Nikkei Asia, gỗ đen châu Phi cứng, thớ mịn được tìm thấy ở Tanzania là một trong những loại gỗ đắt nhất thế giới. Một khúc gỗ có thể có giá khoảng 9.000 USD; giá gỗ chế biến năm 2016 được niêm yết là 13.000 USD/m3 (khoảng 330 triệu VNĐ).
Được biết, gỗ đen châu Phi hay được sử dụng để chế tạo các tác phẩm nghệ thuật và nhạc cụ. Trong đó, phải kể đến kèn obo và kèn clarinet thường được nghe trong các phòng hòa nhạc trên khắp thế giới.
Lý do gỗ đen châu Phi có giá thành cao là vì chậm phát triển và khó gia công. Loại gỗ sẫm màu này có thớ thẳng, mịn, nhưng cứng đến độ có thể nhanh chóng làm cùn các dụng cụ cắt. Gỗ đen châu Phi thường có màu từ đen tuyền đến tím đậm. Gỗ ít bị phân hủy, có thể chịu nhiệt và chống cong vênh, chống côn trùng ở mức độ vừa phải.
Về nhược điểm, loại gỗ này hiếm khi mọc thẳng theo cách mà các nhà sản xuất nhạc cụ mong muốn. Vậy nên, chỉ có 9% gỗ đen châu Phi được thu thập để cắt thành các loại nhạc cụ. Một cây cao 10 mét, độ tuổi ít 70 năm chỉ có thể làm được 50 chiếc kèn clarinet.
Để tạo ra nguồn cung cấp bền vững và an toàn cho những loại cây quý giá như trên, nhà sản xuất nhạc cụ Nhật Bản Yamaha đã mở rộng một dự án nghiên cứu chung với Đại học Kyoto đến năm 2027.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu đã áp dụng công nghệ giúp các cây gỗ không thể sử dụng làm nhạc cụ có thể được nâng cấp lên mức chất lượng như mong muốn. Trong bốn năm qua, nhóm đã áp dụng bí quyết này vào gỗ đen châu Phi của Tanzania.
Theo Kazushi Nakai - trợ lý giám đốc nhóm mua sắm vật liệu của Yamaha: “Đây là loại gỗ không thể thay thế và chúng tôi lo ngại về tương lai của nó”. Không chỉ thế, gỗ đen Châu Phi được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế phân loại ở mức “sắp bị đe dọa”.