Thông tin về người phụ nữ liên tục dương tính với nồng độ cồn dù không dùng rượu bia
Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận người phụ nữ thực sự không hề uống rượu bia. Nguyên nhân bà liên tục dương tính với nồng độ cồn xuất phát từ một hội chứng hiếm gặp trên thế giới.
Mới đây, tạp chí Annals of Internal Medicine đã đưa tin về người phụ nữ 61 tuổi, sống ở Mỹ đang cần được ghép gan do bị xơ gan. Điều đáng nói, khi bác sĩ xét nghiệm nước tiểu của bệnh nhân đã cho kết quả dương tính với nồng độ cồn. Tuy nhiên, bệnh nhân một mực khẳng định bản thân không uống rượu bia.
Thông tin về ca bệnh trên đã được chuyển đến Trường Y thuộc Đại học Pittsburgh (Mỹ) để tiến hành xét nghiệm. Kết quả, các chuyên gia phát hiện ra rằng người phụ nữ này đã nói sự thật.
Bà không hề sử dụng rượu mà mắc một căn bệnh hiếm gặp dẫn tới nồng độ cồn bất thường. Theo đó, vi khuẩn trong bàng quang của người phụ nữ lên men glucose (đường) thành rượu.
Được biết, tình trạng của người phụ nữ này tương tự như “hội chứng nhà máy bia tự động” (ABS) vô cùng hiếm gặp. Có thể hiểu rằng, vi khuẩn trong đường tiêu hóa đã chuyển hóa carbohydrate thành rượu. Các trường hợp mắc ABS đầu tiên được ghi nhận ở Nhật vào năm 1970 và 10 năm sau đó ở Mỹ.
Theo Live Science, bệnh nhân có cồn trong máu hoặc có triệu chứng nhiễm độc. Thậm chí, trường hợp bị ABS có thể say chỉ vì ăn carbs (tinh bột, đường). Trong khi đó, người phụ nữ trên không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào khi bàng quang của cô sản sinh ra rượu.
Tình trạng của bà hiếm đến mức còn chưa có tên trước đó. Sau quá trình bàn bạc, các bác sĩ đề xuất gọi là “hội chứng tự sản xuất bia trong nước tiểu” hay “hội chứng lên men bàng quang”.
Theo USA Today, sau khi các bác sĩ cố loại bỏ nấm men nhưng không thành công, người phụ nữ 61 tuổi đã được chẩn đoán mắc chứng ABS tiết niệu.
Nói về căn bệnh hiếm gặp trên, Kenichi Tamama - Giám đốc y tế Phòng thí nghiệm Độc chất lâm sàng, Trung tâm Y tế Pittsburgh cho biết: “Chúng tôi đã làm sáng tỏ tình hình và điều đó hữu ích với bà ấy vì chẩn đoán lạm dụng rượu khiến bệnh nhân ám ảnh”.
Bên cạnh đó, ông Kenichi Tamama cũng hy vọng phát hiện này sẽ mang lại nhận thức cho cộng đồng y tế, từ đó giúp đỡ những bệnh nhân gặp phải tình trạng hiếm gặp này nhưng bị coi là mắc chứng rối loạn sử dụng rượu.