Kết quả điều tra lịch trình chính thức của ca 'siêu lây nhiễm' covid-19 thứ 34 ở Bình Thuận
Lịch trình chi tiết của ca nhiễm Covid-19 thứ 34 như sau:
- Bệnh nhân thứ 34 (BN34) khẳng định không tham gia buổi gặp mặt của nhóm CLB Nữ doanh nhân Bình Thuận tổ chức ngày 7/3 tại cà phê Ocean Dunes (Phan Thiết) với khoảng 8 người tham gia.
- Qua xác minh tài xế riêng của BN34 là ông N.T.S. (ngụ Thanh Hải, Phan Thiết) không có mặt tại Phan Thiết nên ông không thể có khả năng lây nhiễm từ bệnh nhân số 34. Liên lạc qua điện thoại, ông S. cho biết ông đã đi Đà Lạt từ ngày 29/2 và chưa về lại Phan Thiết.
- Theo lời khai của BN34 thì hôm bà xuống sân bay, người lái xe chở bà là ông N.Đ.D. (ngụ Phan Thiết) đi cùng con trai bà vào đón về chứ không phải ông N.T.S.
- Về thông tin ngày 5/3, BN34 có đi dự đám cưới con của chủ một doanh nghiệp tại khách sạn Ocean Dunes, Đội phản ứng nhanh đã tiếp xúc với chủ tiệc cưới và được khẳng định vợ chồng BN34 và BN41 không tham dự đám cưới.
Tuy nhiên lúc 8 giờ sáng 5/3, BN41 có đến gửi quà cho cô dâu, chú rể và tiếp xúc với cô dâu, chú rể khoảng 5 phút thì đi. Sau đám cưới, cặp vợ chồng trẻ đã bay đi Úc từ ngày 11/3.
Sau khi nghe tin 2 BN34 và 41 nhiễm Covid-19, đôi vợ chồng trẻ đã báo cho ngành y tế và tự cách ly, cho các nhân viên tạm nghỉ, hạn chế tiếp xúc với người ngoài. Theo đội phản ứng nhanh, những người này không nằm trong diện tiếp xúc gần nên không lấy mẫu xét nghiệm.
- Đối với trường hợp giám đốc một chi nhánh công ty tại Phan Thiết, có nhà tại Vũng Tàu, người này khai báo không tiếp xúc với BN34.
Theo tìm hiểu, đến sáng 14/3, số trường hợp tiếp xúc gần (F1) với 9 bệnh nhân Covid-19 ở Bình Thuận là 128, tất cả đều đang được cách ly tập trung theo dõi.
Riêng trường hợp F2 (tiếp xúc với F1) là 651. Một lãnh đạo Sở Y tế Bình Thuận nhận định con số không dừng lại ở đó, địa phương vẫn đang tiếp tục xác minh thêm.
Điều đáng chú ý, tất cả trường hợp trên đều bắt nguồn từ bệnh nhân "siêu lây nhiễm" thứ 34. Không chỉ riêng Bình Thuận, nhiều địa phương khác cũng có trường hợp liên quan đến bệnh nhân này. Trong đó, BN45 ở TP.HCM là điển hình.
Trước đó, một lãnh đạo Sở Y tế Bình Thuận cho biết bệnh nhân số 34 đã không khai báo đầy đủ lịch trình và những người từng tiếp xúc với mình trong thời gian ủ bệnh. Việc này gây ra rất nhiều khó khăn cho địa phương.
"Đến giờ vẫn không hiểu vì sao bệnh nhân lại khai như thế. Bây giờ công tác điều trị và xác định các trường hợp lây nhiễm là ưu tiên hàng đầu. Còn xử lý như thế nào sau này các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ" - vị lãnh đạo này nói thêm.
Cũng theo vị lãnh đạo trên, số F1 với bệnh nhân trên liên tục tăng là do một số trường hợp chủ động đến khai báo cũng như qua điều tra dịch tễ phát hiện thêm. Đơn cử như việc bệnh nhân khai rằng khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất là di chuyển thẳng về nhà riêng, tuy nhiên sau này mới phát hiện bệnh nhân từng ở lại TP.HCM để giao lưu với đối tác.
Khi về đến TP Phan Thiết, ngoài nhà riêng và công ty, bệnh nhân còn di chuyển đến nhiều nơi ăn uống. Tổ phản ứng nhanh của ban chỉ đạo phải căng mình đi phun thuốc khử trùng mỗi khi cập nhật thêm thông tin địa điểm mà bệnh nhân di chuyển ở địa phương.
Ban chỉ đạo COVID-19 ở Bình Thuận liên tục kêu gọi những trường hợp từng tiếp xúc với bệnh nhân trên đến khai báo y tế, cũng như thông tin thêm lịch trình, địa điểm di chuyển để đảm bảo giảm thiểu tối đa ca lây nhiễm từ bệnh nhân số 34.
Vũ Khắc Tiệp thiệt hại nặng nề sau phát ngôn nhạy cảm về khu cách ly Covid-19 của Việt Nam
(Techz.vn) Sau những phát ngôn gây sốc về khu cách ly Covid-19 ở Cát Lái cũng như những lời đe dọa nhân viên y tế ở đây thì Vũ Khắc Tiệp đã phải nhận "trái đắng" từ hành vi sai lệch của mình.