Sau khi ông Trump hé lộ kế hoạch chấm dứt xung đột, Nga tuyên bố chỉ đàm phán với một điều kiện?
Tại một sự kiện dành riêng cho Ngày của các nhà ngoại giao, phía Nga đã tuyên bố chỉ ngồi vào bàn đàm phán với Ukraine nếu đạt được một thỏa thuận.
Vào ngày 10/2, trang web của Bộ Ngoại giao Nga đã đăng tải lại phát biểu của ông Sergey Lavrov - Ngoại trưởng Nga tại một sự kiện dành riêng cho Ngày của các nhà ngoại giao.
“Như Tổng thống Vladimir Putin đã nói nhiều lần, Nga sẵn sàng đàm phán, trong quá trình đàm phán, lợi ích quốc gia hợp pháp của chúng ta sẽ được đảm bảo. Không gây tổn hại đến lợi ích của những nước khác, trong bối cảnh của một thỏa thuận về hệ thống an ninh toàn diện mà không ai cảm thấy bị xâm phạm”, ông Lavrov nhấn mạnh.
Không chỉ thế, Ngoại trưởng Nga còn nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng Ukraine “có những nguyên nhân sâu xa”. Suốt 3 năm qua, Nga không ngừng đưa ra yêu cầu xóa bỏ những nguyên nhân này và “sẽ đảm bảo đạt được kết quả”.
“Trước hết, đó là việc tạo ra các mối đe dọa đối với an ninh của Nga thông qua việc mở rộng NATO về phía đông, cũng như chính sách của chính quyền Kiev nhằm xóa bỏ mọi thứ của Nga: Ngôn ngữ, văn hóa, phương tiện truyền thông và Chính thống giáo”, ông Lavrov cho biết.
Theo ông Lavrov, chỉ có việc “loại bỏ hoàn toàn và không thể đảo ngược các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột” mới có thể mở đường cho việc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Trước đó, vào hồi tháng 9/2024, nói về những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến xung đột ở Ukraine, Ngoại trưởng Lavrov cho biết phương mối đe dọa đối với an ninh của Nga từ phương Tây, vốn tìm cách kéo Ukraine vào khối quân sự của mình.
Hơn nữa, Lavrov cho biết sự phân biệt đối xử với cộng đồng nói tiếng Nga, bao gồm thông qua luật cấm sử dụng tiếng Nga cũng là nguyên nhân châm ngòi cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Nói về các mục tiêu chính khi mở chiến dịch quân sự, chính quyền Nga tuyên bố sẽ phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine. Đồng thời, Nga muốn đảm bảo rằng Kiev cam kết trung lập về mặt pháp lý và từ bỏ hy vọng gia nhập NATO.
Vào tháng 6/2024, Tổng thống Putin khẳng định chỉ dấm dứt cuộc xung đột với Ukraine nếu nước này rút toàn bộ quân đội khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập, bao gồm Donetsk và Lugansk (còn gọi là Donbass), cũng như các vùng Kherson và Zaporizhia.
Theo các quan chức Nga, để khởi động các cuộc đàm phán, cần phải giải quyết các khía cạnh pháp lý về tính hợp pháp của Tổng thống Ukraine và sắc lệnh do ông đưa ra về việc cấm Kiev đàm phán với Moscow.