Thông tin về ‘người cây’: Tay chân giống như gỗ cứng đờ, ở Việt Nam có 2 trường hợp
Cuộc sống của những bệnh nhân bị tay chân hóa gỗ gặp vô vàn khó khăn, thậm chí có người còn muốn cắt bỏ phần có các lớp sừng, mụn cóc do quá đau đớn.
Căn bệnh tay chân hóa gỗ hay còn gọi là “người cây”, có tên khoa học là Epidermodysplasia verruciformis (EV). Vào năm 1992, trên thế giới xuất hiện ca bệnh đầu tiên và tính đến hiện tại có khoảng 600 trường hợp bị hội chứng này.
Riêng ở Việt Nam từng ghi nhận 2 trường hợp bị hội chứng “người cây” với loạt mụn cóc xù xì bao phủ một số bộ phận của cơ thể, khiến tay chân giống như gỗ cứng đờ, không thể vận động và sinh hoạt được như bình thường.
Theo Người Lao Động, vào năm 2019, ông S. (sống ở Nho Quan, Ninh Bình) đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương khi nhận thấy cơ thể có quá nhiều dấu hiệu bất thường.
Ông cho biết, cách đây 10 năm, cơ thể bắt đầu xuất hiện mụn cóc rồ cứng dần ở chân. Sau đó, các lớp sừng ở tay chân ngày càng nhiều, mọc rồi rụng khiến ông vô cùng đau đớn, Thậm chí, ông S. không thể tự tắm rửa, cầm nắm mà thường xuyên phải nhờ sự giúp đỡ của vợ.
Gần đây nhất, Abul Bajandar sinh sống ở Bangladesh cũng đang trải qua những tháng ngày đau đớn do mắc bệnh “người cây”. Abul Bajandar chia sẻ, từ năm 2016, anh đã thực hiện khoảng 30 ca phẫu thuật nhưng tình trạng không hề thuyên giảm. “Đôi khi tôi tự hỏi tại sao mình lại bị tình trạng khủng khiếp như vậy. Tôi không thể chịu đựng nỗi đau nữa. Tôi không ngủ được vào ban đêm. Tôi đã yêu cầu các bác sĩ cắt bỏ đôi tay của mình để ít nhất tôi có thể thấy nhẹ nhõm hơn”.
Theo Medical News Today, bệnh EV là rối loạn di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường, người bệnh thừa hưởng những đột biến từ cả cha lẫn mẹ. Ban đầu, nhiễm trùng sẽ gây ra mụn cóc do virus và các mảng viêm nhiễm sắc tố.
Đối với những trường hợp chuyển biến nặng, người bệnh phát triển các khối u nhỏ màu hồng, trắng, nâu đỏ, nâu sẫm hoặc tím; các mảng da có vảy, viêm, sần sùi; mụn cóc do virus xuất hiện thành từng cụm. Nhiều nhất là ở bàn tay và bàn chân.
Đến hiện tại, bệnh EV vẫn chưa có cách chữa trị dứt điểm. Thay vào đó, người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc, liệu pháp và lưu ý tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hay hút thuốc.
Bên cạnh đó, bác sĩ có thể đề xuất một số cách để ngăn bệnh tiến triển như phẫu thuật laser, cắt bỏ khối u. Đáng nói, có khoảng 30-60% số người mắc EV cũng phát triển bệnh ung thư da. Xu hướng trên phổ biến ở nhóm 40-50 tuổi, ung thư hay xuất hiện ở những vùng tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.