Tổng thống Trump vừa tuyên bố về giải pháp mới nhất để kết thúc xung đột Nga-Ukraine 'ngay lập tức'
Những chia sẻ của Tổng thống Donald Trump về giải pháp chấm dứt xung đột giữa Ukraine và Nga thu hút được sự quan tâm từ giới truyền thông.
Vào ngày 23/1, ông Donald Trump đã phát biểu qua đường truyền video tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ. Nói về giải pháp chấm dứt xung đột kéo dài suốt 3 năm giữa Ukraine và Nga, Tổng thống thứ 47 của Mỹ cho rằng, nếu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hạ giá dầu, xung đột Nga-Ukraine sẽ được chấm dứt "ngay lập tức".
"Nếu giá dầu giảm xuống, xung đột Nga-Ukraine sẽ kết thúc ngay lập tức. Hiện tại, giá dầu đủ cao để khiến cuộc chiến này tiếp tục, vì vậy, chúng ta phải hạ giá dầu xuống và chấm dứt nó", ông Trump nhấn mạnh.
Theo đó, vào năm năm 1960, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) được thành lập vào tại Baghdad. Mục đích là để điều phối các chính sách dầu lửa, đảm bảo giá dầu công bằng và ổn định. Đến nay, tổ chức này đã có 12 quốc gia, chủ yếu là các nước thuộc khu vực Trung Đông và châu Phi, chiếm khoảng 30% sản lượng dầu của thế giới.
Trường hợp Tổ chức kể trên đồng ý giảm hoặc tăng lượng dầu mà tất cả quốc gia trong nhóm sản xuất, OPEC có thể tác động đáng kể đến giá dầu toàn cầu. Trong bối cảnh giá dầu ttrene thế giới giảm sẽ làm suy giảm nghiêm trọng nguồn thu chính của Nga.
Tuy nhiên, một phân tích gần đây trên tạp chí Foreign Policy đánh giá rằng bất kỳ tác động kinh tế nào cũng sẽ mất nhiều tháng mới có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục cuộc chiến của Moscow.
Nắm được tình thế trên, Tổng thống Trump đưa ra một dự định khác liên quan đến việc mở rộng hoạt động khoan dầu và phê duyệt xuất khẩu thêm khí hóa lỏng (LNG) ngay ngày đầu nhậm chức. Điều này sẽ làm hạ giá dầu và gây sức ép lớn đối với ngành công nghiệp trọng điểm này của Nga.
Vào ngày 22/1, Tổng thống Donald Trump cũng đưa ra cảnh báo rằng nếu không sớm đạt được "thỏa thuận" chấm dứt xung đột ở Ukraine, ông sẽ chính thức "áp dụng mức thuế, thuế quan và lệnh trừng phạt cao đối với bất kỳ mặt hàng nào mà Nga bán cho Mỹ và các nước tham gia khác".
Trước lời đe dọa của ông Trump, vào ngày 23/1, người phát ngôn Điện Kremlin cho biết họ "không thấy có gì mới" hay thấy quan ngại. "Chúng tôi không thấy có yếu tố mới nào đặc biệt ở đây. Bạn biết đấy, ông Trump, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, là tổng thống Mỹ thường xuyên dùng đến các biện pháp trừng phạt nhất", ông Peskov cho hay.
Bên cạnh đó, ông Peskov còn khẳng định rằng, ông Putin sẵn sàng đối thoại "bình đẳng và tôn trọng" với Mỹ. Tuy nhiên, đến hiện tại chưa có bất kỳ sự chuẩn bị nào cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Putin.
Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã dẫn đầu đoàn đại biểu nước này tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Thụy Sĩ. Mục đích là để kêu gọi thêm đầu tư cho Kiev, dựa trên cơ sở coi Ukraine là "giải thưởng chứ không phải gánh nặng".
Theo thông tin được đề cập trong trang web chính thức của phái đoàn Ukraine, nước này đang sở hữu 26.000 tỷ USD tài nguyên khoáng sản, bao gồm 1/3 trữ lượng lithium của châu Âu và một trữ lượng khí đốt đáng kể.