Tổng thống Donald Trump vừa đưa ra 2 tuyên bố gây chấn động toàn cầu ngay trong ngày đầu nhậm chức
Sau khi chính thức trở lại Nhà Trắng, ông Donald Trump đã có những tuyên bố gây sốc. Trong đó, phải kể đến việc Mỹ sẽ rời khỏi Tổ chức Y tế Thế giới và Hiệp định Paris về khí hậu.
Vào ngày 20/1 (theo giờ địa phương), khi đang ký loạt sắc lệnh hành pháp trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ rời khỏi Tổ chức Y tế Thế giới.
Không chỉ thế, Tổng thống Mỹ thứ 47 còn cáo buộc cơ quan y tế toàn cầu xử lý sai lầm đối với đại dịch Covid-19 và các cuộc khủng hoảng y tế quốc tế khác. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến ông Trump đưa ra quyết định gây sốc kể trên.
Sau khi rời Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phía Mỹ sẽ cắt giảm đáng kể nguồn tài trợ. Điều này khiến cơ quan đa phương quan trọng mất một phần năm nguồn tài trợ. Từ đó, dẫn đến việc WHO nhiều khả năng sẽ cắt giảm các hoạt động y tế công cộng trên toàn cầu và buộc phải tìm cách kêu gọi các nguồn tài trợ tư nhân.
Tuy nhiên, các quốc gia khác sẽ khó có thể bù đắp được khoản tài trợ bị hao hụt từ Mỹ nếu Tổng thống Donald Trump chính thức hiện thực hóa tuyên bố rút khỏi WHO.
Bên cạnh đó, ông Trump còn ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, trước những người ủng hộ tại Đấu trường Capital One ở Washington. “Tôi ngay lập tức rút khỏi thỏa thuận bất công, thiên vị này. Mỹ sẽ không phá hoại các ngành công nghiệp của mình trong khi Trung Quốc gây ô nhiễm mà không bị trừng phạt”, ông Trump nhấn mạnh.
Có thể thấy, quyết định của Tổng thống Mỹ cho thấy sự hoài nghi của ông về tình trạng nóng lên toàn cầu. Không chỉ thế, việc rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris còn nhằm mục đích giải phóng các công ty khoan dầu khí của Mỹ khỏi các quy định để họ có thể tối đa hóa sản lượng.
Ngoài ra, ông trump cũng khẳng định sẽ tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch của Mỹ. Đồng thời, Tổng thống Mỹ còn tuyên bố sẽ “khoan, khoan, khoan” ngay khi trở lại Nhà Trắng và tiến hành dừng các khoản trợ cấp về khí hậu của chính quyền Tổng thống Biden.
Thỏa thuận khí hậu Paris được các chính phủ thống nhất vào năm 2015 với mục đích hạn chế sự nóng lên toàn cầu dưới 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp để tránh tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Kể từ khi 200 quốc gia cùng ký kết tham gia Hiệp định Paris, Mỹ là nước đầu tiên rút khỏi hiệp định này.