Những chia sẻ mới nhất của Tổng thống Donald Trump về việc tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng.
Vào ngày 25/1, tại một cuộc mít tinh ở Las Vegas, Tổng thống Donald Trump đã để ngỏ khả năng đưa Mỹ tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). "Có lẽ chúng ta sẽ cân nhắc lại, tôi không biết. Có thể chúng ta sẽ làm như vậy. Họ sẽ phải dọn dẹp nó", ông Trump cho hay.
Nói về lý do muốn rút khỏi WHO, ông Trump cho rằng tổ chức này đã yêu cầu Mỹ đóng góp nhiều hơn so với Trung Quốc. Dù Trung Quốc là quốc gia có dân số lớn hơn Mỹ rất nhiều lần. Trước đó, Tổng thống thứ 47 của Mỹ cũng đã cáo buộc WHO có những xử lý sai lầm trong đại dịch Covid-19 và các cuộc khủng hoảng y tế quốc tế khác.
Trước đó, vào ngày 20/1, sau vài giờ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống, ông Donald Trump đã ban hành sắc lệnh rút Mỹ khỏi WHO. Ngay khi biết được quyết định của ông, đại diện WHO cho biết tổ chức rất lấy làm tiếc. Đến ngày 23/1, Liên hợp quốc xác nhận Mỹ sẽ rời khỏi WHO vào ngày 22/1/2026.
Theo chia sẻ của người đứng đầu WHO, tổ chức này giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người dân thế giới, bao gồm cả người Mỹ. Cụ thể, WHO sẽ giải quyết tận gốc nguyên nhân gây bệnh, xây dựng hệ thống y tế vững mạnh hơn, phát hiện, ngăn ngừa và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe, bao gồm cả các đợt bùng phát dịch bệnh, thường ở những nơi nguy hiểm mà người khác không thể tới. Chính vì thế, đại diện tổ chức này rất mong muốn sẽ có cuộc đối thoại mang tính xây dựng để duy trì quan hệ đối tác giữa Mỹ và WHO.
Theo nghị quyết chung năm 1948 của quốc hội Mỹ, Tổng thống Donald Trump cần đưa ra thông báo về việc Mỹ rút khỏi WHO trước một năm và Washington phải trả phần của mình dành cho quỹ chung của WHO.
Tính đến hiện tại, Mỹ là nhà tài trợ tài chính lớn nhất của WHO với khoảng 18% tổng kinh phí. Ngân sách của WHO cho giai đoạn 2024-2025 là 6,8 tỷ USD. Một số chuyên gia trong và ngoài WHO nhận định, quyết định rút khỏi WHO của Mỹ có thể sẽ khiến các chương trình của tổ chức này gặp không ít khó khăn. Trong đó, phải kể đến chương trình giải quyết bệnh lao - bệnh truyền nhiễm gây chết người nguy hiểm nhất thế giới, cũng như HIV/AIDS và các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe khác.