Phía ông Trump thừa nhận 'không thể' chấm dứt xung đột Ukraine ngay sau nhậm chức, hé lộ mốc thời gian chính xác?
Những chia sẻ của phía ông Trump về thời điểm giải quyết dứt điểm xung đột giữa Ukraine và Nga nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ giới truyền thông.
Mới đây, hãng tin Reuters đưa tin, hai cộng sự của ông Donald Trump nói rằng có thể mất nhiều tháng, thậm chí lâu hơn, để giải quyết cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga. Vậy nên, tuyên bố giải quyết xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức của ông Trump chỉ là phát ngôn "khoa trương" trong chiến dịch tranh cử.
Vào tuần trước, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Fox News, ông Keith Kellogg - Trung tướng đã nghỉ hưu nói rằng ông đặt mục tiêu tìm ra giải pháp cho cuộc chiến Nga - Ukraine trong vòng 100 ngày đầu nhiệm sở của ông Trump.
Tuy nhiên, theo ông John Herbst - cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, hiện làm việc tại tổ chức tư vấn Atlantic Council ở Washington nhận định rằng mốc thời gian trên của tướng Kellogg cũng "quá lạc quan" so với tình hình xung đột ở Ukraine.
Trước khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái, ông Trump đã tuyên bố hàng chục lần rằng ông sẽ đạt được thỏa thuận giữa Ukraine và Nga ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, thậm chí có thể đạt được từ trước đó.
Kể từ sau khi trở thành Tổng thống Mỹ đắc cử, ông Trump cũng đã rút lại tuyên bố của mình. Ông thường chỉ nói rằng ông sẽ "giải quyết" cuộc xung đột và tránh nói đến mốc thời gian cụ thể. Thậm chí, ông còn thừa nhận việc chấm dứt chiến tranh ở Ukraine sẽ khó hơn việc đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza.
Cho đến nay, các nỗ lực chấm dứt chiến tranh do đội ngũ của ông Trump thực hiện diễn ra một cách rời rạc. Điều này cho thấy những tuyên bố của ông Trump trong chiến dịch tranh cử có thể không diễn ra đúng với tình hình thực tế của các cuộc đàm phán ngoại giao phức tạp.
Đặc phái viên của ông Trump về Ukraine đã hoãn chuyến thăm tới Kiev trước lễ nhậm chức. Trong khi đó, các quan chức trong chính quyền Trump tại Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh Quốc gia và các cơ quan khác vẫn thăm dò xem ai có thẩm quyền đối với các vấn đề địa chính trị khác nhau.