Chủ tịch UBND đầu tiên của Hà Nội: Gắn bó với Bác Hồ nhiều năm, tên được đặt cho con đường nổi tiếng
Bác sĩ Trần Duy Hưng (1912-1988) trong một gia đình trung lưu ở thôn Hòe Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Từ nhỏ, ông đã chăm chỉ học hành, thể hiện sự thông minh, nhanh nhẹn hơn người.
Đến năm 30 tuổi, Trần Duy Hưng trở thành một bác sĩ đa khoa giỏi, tâm huyết với nghề. Sau đó, nhờ sự trợ giúp của người em gái, ông mở một bệnh viện ở phố Thợ Nhuộm. Khi chuẩn bị diễn ra khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, ông quyết định để bệnh viện trở thành cơ sở bí mật của cách mạng.
Sau ngày 2/9/1945 khoảng một tuần, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhà bác sĩ Trần Duy Hưng và đề nghị ông làm Thị trưởng Hà Nội. Tuy nhiên, ông đã khéo léo từ chối với lý do mình “chỉ biết khám, chữa bệnh, không quen làm lãnh đạo”.
Thấy vậy, Bác Hồ đã động viên: “Ðiều quan trọng là chú có lòng yêu nước, có các đoàn thể và đồng chí giúp đỡ, lo gì không hoàn thành nhiệm vụ”.
Trong những ngày toàn quốc kháng chiến, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội, luôn sát cánh bên Bác Hồ cùng các đồng chí trong Thành ủy, Ủy ban Hành chính tập hợp các thành phần yêu nước bảo vệ thủ đô.
Năm 1947, bác sĩ Trần Duy Hưng được cử làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ, tới đầu năm 1954 được điều sang làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Tháng 10/1954, ông được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội dẫn đầu đại quân tiến vào tiếp quản thủ đô.
Một lần nữa, Bác Hồ yêu cầu bác sĩ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính thủ đô (sau này là UBND). Ông đã đảm nhiệm trọng trách này cho đến lúc về hưu (năm 1977). Tính ra, ông là Chủ tịch UBND thành phố liên tục 23 năm. Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ khóa I đến khóa VI.
Đến ngày thủ đô mới giải phóng, bác sĩ Trần Duy Hưng luôn sâu sát cơ sở, đến các nhà máy, trường học, thăm những người nông dân, tham gia các phong trào lao động. Có những đêm, một mình ông đi kiểm tra các điếm canh đê, đề phòng nước lũ lên.
Những năm kháng chiến chống Mỹ, ông luôn có mặt, động viên anh em chiến sĩ. Ông có mặt ở hầu hết các hoạt động của thủ đô. Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, máy bay B52 của đế quốc Mỹ ném bom Hà Nội nhân dân luôn nhớ đến bác sĩ Trần Duy Hưng. Ông xuống từng khu phố, thăm hỏi nhân dân, tham gia dập lửa cùng đội chữa cháy và các chiến sĩ tự vệ, cùng anh em chôn cất những người đã hy sinh.
Ðồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận xét: “Bác sĩ Trần Duy Hưng là người luôn được dân yêu mến. Là một trí thức cách mạng, bác sĩ luôn năng nổ, nhiệt tình, tác phong giản dị, gần quần chúng, sống đức độ, nhân ái, có nhiều cống hiến cho sự phồn vinh của thủ đô và đất nước”.
Bên cạnh đó, sau nhiều năm sống và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, bác sĩ Trần Duy Hưng cũng trở thành người có tác phong gần gũi với nhân dân lao động. Những người từng giúp việc cho bác sĩ Trần Duy Hưng kể lại: Ông luôn trực tiếp viết các bài diễn văn, dự thảo báo cáo quan trọng mà không yêu cầu thư ký.
Ngoài việc chủ trì, tham dự các cuộc họp, ông tận dụng thời gian để tiếp dân bất kể lúc nào. Tiếp dân trong giờ hành chính tại công sở, nhiều buổi tối, ngày nghỉ, ông tiếp dân tại nhà riêng.
Về thôn quê, hay tới nhà máy, gặp ai, ông đều chào trước. Cho đến nay, mỗi khi nhắc đến ông, nhiều người không kìm được xúc động. Bởi ông là một trí thức cách mạng, một người Hà Nội mẫu mực, suốt đời sống vì mọi người.
Sinh thời, bác sĩ Trần Duy Hưng có thói quen chiều 30 Tết nào cũng chuẩn bị một túi quà, đợi người công nhân quét rác cuối cùng đến thu gom thì tặng túi quà đó. Nét đẹp này, sau gần 20 năm ông đi xa, các con cháu trong gia đình ông vẫn duy trì.
Đến ngày 2/10/1988, ông qua đời trước sự xót thương của gia đình, đồng chí và nhân nhân. Đáng nói, trong lễ tang, có một anh nông dân quê ở Sóc Sơn cầm thẻ hương năn nỉ ban tổ chức xin vào viếng theo lời căn dặn của mẹ trước lúc mất.
Theo đó, mười mấy năm trước, trong một lần bà cụ thân sinh của anh ra thăm Hà Nội, đến vườn hoa cạnh hồ Hoàn Kiếm không may bị rơi hết hành lý, tiền bạc. Ðang lúc cụ bà trình báo với anh công an thì bác sĩ Trần Duy Hưng đi qua. Ông dừng xe, lắng nghe rồi biếu bà cụ ít tiền, bảo anh công an lái xe đưa bà cụ đến bến xe khách.
Về đến quê, bà cụ gọi con cháu lại dặn rằng: Ông Chủ tịch thành phố là người tốt. Khi nào ông mất, nhất định phải thay bà đến thắp nén nhang và lạy tạ vong linh ông. Nhớ lời mẹ dặn, vừa nghe tin, anh nông dân dừng việc cấy cày, khăn gói về thủ đô.
Ðể tưởng nhớ công ơn một trí thức yêu nước suốt đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, gần dân, thương dân và liêm khiết, có nhiều cống hiến to lớn trong lãnh đạo nhân dân thủ đô, năm 1999, HÐND thành phố quyết định đặt tên ông cho đường Trần Duy Hưng.
Nơi có không khí trong lành nhất thế giới: Chỉ vỏn vẹn 45 người, không có wifi, nhà luôn mở khóa
Chỉ có hai chuyến bay hàng tuần để di chuyển đến thị trấn có không khí trong lành nhất trái đất, trên một chiếc trực thăng rung bần bật.
Lý do người đàn ông có 4 bằng thạc sĩ và 1 bằng tiến sĩ vẫn phải đi bán rau trên đường phố
Đến hiện tại, sau mỗi ngày làm việc, người đàn ông lại dành thời gian để ôn thi cho tấm bằng cử nhân Khoa học Thư viện.
3 con giáp sẽ gặp vận may, tài lộc dồi dào trong 3 tháng tới
Trong 3 tháng tới, những người thuộc tuổi Tỵ, Thân, Dậu sẽ gặp nhiều may mắn, công việc thuận lợi và tài lộc ngày càng dồi dào.