Sau cuộc điều tra kéo dài 2 năm, Hạ viện Mỹ chính thức công bố kết luận về nguồn gốc COVID-19
Những thông tin mới nhất về nguồn gốc gây nên dịch bệnh COVID-19 nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ mọi người.
Vào ngày 2/12, sau 2 năm nghiên cứu, Hạ viện Mỹ vừa công bố báo cáo dài 520 trang từ Tiểu ban đặc biệt về nguồn gốc gây nên đại dịch COVID-19. Theo đó, sau 25 buổi họp, hơn 30 cuộc phỏng vấn và phân tích hơn 1 triệu trang tài liệu, nghiên cứu chỉ ra rằng virus SARS-CoV-2 nhiều khả năng xuất hiện do một sự cố liên quan đến nghiên cứu hoặc rò rỉ từ phòng thí nghiệm tại Trung Quốc.
"Công trình này sẽ giúp Mỹ và thế giới dự đoán đại dịch tiếp theo, chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo, bảo vệ chúng ta khỏi đại dịch tiếp theo và hy vọng có thể ngăn ngừa đại dịch tiếp theo", Hạ nghị sĩ Brad Wenstrup, người đứng đầu tiểu ban nói trên nêu trong lá thư gửi Quốc hội Mỹ.
Đáng nói, báo cáo còn nhấn mạnh Viện Y tế quốc gia Mỹ đã tài trợ cho các nghiên cứu “gain-of-function” tại Viện Virus học Vũ Hán. Đây là phương pháp chỉnh sửa virus để tăng khả năng lây nhiễm, nhằm mục tiêu nghiên cứu tác động tiềm năng của virus đối với con người. Tuy nhiên, do tiềm ẩn nhiều rủi ro nên phương pháp này đã gây nhiều tranh cãi.
Không chỉ thế, Tiểu bang đặc biệt còn chia sẻ lại cuộc phỏng vấn kín với bác sĩ Anthony Fauci, người vướng cáo buộc phê duyệt tài trợ cho các nghiên cứu tại Vũ Hán.
Cụ thể, bác sĩ Fauci một mực phủ nhận nguồn gốc gây nên COVID-19 từ phòng thí nghiệm. Ông cho rằng việc virus từ dơi trong phòng thí nghiệm biến đổi thành SARS-CoV-2 là “không thể về mặt phân tử”. Dẫu vậy, Hạ viện Mỹ vẫn kết luận virus gây bệnh COVID-19 rất có thể xuất phát từ một tai nạn phòng thí nghiệm.
Hiện tại Trung Quốc chưa bình luận về báo cáo trên của Hạ viện Mỹ. Trước đó, Trung Quốc cũng nhiều lần lên tiếng bác bỏ cáo buộc virus SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn tuyên bố rằng các nhà khoa học tại Viện Virus học Vũ Hán không đáng bị chỉ trích. Bởi họ là những người đầu tiên phát hiện ra trình tự gene của virus SARS-CoV-2.
Phía Trung Quốc cũng cho rằng việc tìm ra nguồn gốc gây nên COVID-19 là vấn đề khoa học và cáo buộc Mỹ chính trị hóa vấn đề này. Để mọi việc không bị diễn biến xấu hơn, Bắc Kinh đã yêu cầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) giữ lập trường khoa học và không trở thành công cụ của bất kỳ quốc gia nào.
Ngoài ra, Hạ viện Mỹ cũng chỉ ra những mặt hạn chế của các biện pháp phong tỏa và cho rằng chúng “gây hại nhiều hơn lợi” trong việc ứng phó đại dịch. Với kết luận này, tranh cãi về nguồn gốc COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống.