Phía Nga đưa ra cảnh báo gây chú ý về ‘chiến tranh hạt nhân’ giữa lúc xung đột với Ukraine leo thang
Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Mỹ Tucker Carlson, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đề cập đến hậu quả của chiến tranh hạt nhân.
Vào ngày 5/12, ông Sergei Lavrov - Ngoại trưởng Nga đã có buổi phỏng vấn với nhà báo Mỹ Tucker Carlson. Tại đây, ông Lavrov đã đưa ra lời cảnh báo về chiến tranh hạt nhân rằng: “Sẽ không thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân, do vậy chiến tranh hạt nhân không thể xảy ra. Điều này hoàn toàn nằm trong lợi ích sống còn của chúng tôi, và chúng tôi hy vọng điều này cũng nằm trong lợi ích sống còn của Mỹ".
Không chỉ thế, Ngoại trưởng Nga còn khẳng định rằng Nga sẽ tiếp tục tuân thủ lập trường được nêu tại hội nghị thượng đỉnh song phương giữa Moscow và Washington vào năm 2021 và tái khẳng định tại cuộc họp theo định dạng 5 bên vào năm 2022.
“Chúng tôi không muốn chiến tranh với bất kỳ ai. Năm quốc gia hạt nhân đã tuyên bố ở cấp cao nhất vào tháng 1/2022 rằng chúng tôi không muốn đối đầu với nhau và chúng tôi sẽ tôn trọng lợi ích và mối quan tâm về an ninh của nhau. Điều tương tự cũng được nhắc lại song phương giữa Nga và Mỹ, khi các nhà lãnh đạo Nga và Mỹ gặp nhau tại Geneva vào tháng 6/2021”, ông Lavrov cho hay.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Nga còn nhấn mạnh việc phương Tây nhận định “các lằn ranh đỏ” của Nga có thể bị lay chuyển là một sai lầm lớn. Ông cũng cho biết các tuyên bố của một số quan chức NATO về khả năng tấn công phủ đầu vào Nga “thực sự đáng lo ngại”.
“Một số quan chức tại Lầu Năm Góc và những nơi khác, bao gồm cả NATO, trong vài ngày qua bắt đầu nói rằng NATO là một liên minh phòng thủ, nhưng đôi khi NATO có thể tấn công phủ đầu trước vì tấn công là cách phòng thủ tốt nhất”, ông Lavrov chia sẻ.
Hiện tại, Nga - Ukraine đang có những bước đi đầy táo bạo trong cuộc xung đột. Nhất là trong bối cảnh một số nước phương Tây cho phép Kiev dùng vũ khí tầm xa để tấn công vào sâu trong lãnh thổ của Nga.
Trước diễn biến trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhanh chóng phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi, hạ thấp ngưỡng sử dụng hạt nhân, vạch lằn ranh đỏ mới với phương Tây.
Đồng thời, phía Nga cũng phóng tên lửa siêu vượt âm tầm trung thế hệ mới Oreshnik vào cơ sở công nghiệp quân sự ở Ukraine. Theo Ngoại trưởng Lavrov, đây là lời cảnh báo của ông Putin dành cho các nước đang viện trợ cho Ukraine.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Nga cho biết Tổng thống Putin không muốn xảy ra chiến tranh hạt nhân với Mỹ và đang làm mọi cách để ngăn chặn. “Chúng tôi không muốn nghĩ đến chiến tranh với Mỹ, điều sẽ mang yếu tố hạt nhân. Học thuyết quân sự của chúng tôi nói rằng, quan trọng nhất là tránh chiến tranh hạt nhân”, ông Lavrov nhấn mạnh.