Cuộc sống nơi ô nhiễm nhất thế giới: Không thể nhìn thấy gì phía trước, người dân được kêu gọi ở nhà
Được biết, nơi đây đã vật lộn với ô nhiễm không khí trong hơn hai thập kỷ khiến cuộc sống của nhiều người dân rơi vào tình cảnh vô cùng éo le.
Theo các cơ quan giám sát chất lượng không khí toàn cầu, New Delhi, Ấn Độ trở thành nơi ô nhiễm nhất trên thế giới. Thậm chí, Bộ trưởng Atishi đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế khi chính quyền đóng cửa trường học và kêu gọi mọi người ở nhà.
Vào mùa đông, tình trạng ô nhiễm ở New Delhi càng trở nên tồi tệ hơn. Cụ thể, cớp sương mù bao phủ khiến ngày biến ngày thành đêm, làm gián đoạn các chuyến bay, che khuất tầm nhìn các tòa nhà.
Dựa vào thông tin từ đơn vị theo dõi chất lượng không khí toàn cầu (IQAir), một số khu vực ở Delhi đã có mức độ ô nhiễm đã vượt quá 1750. Trong khi đó, mức trên 300 đã được xem là nguy hiểm cho sức khỏe con người. Nồng độ chất ô nhiễm nhỏ nhất và nguy hiểm nhất đã cao hơn 77 lần so với mức an toàn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt ra.
Mohammad Ibrahim, tài xế ôtô ở Delhi cho biết, lồng ngực ông liên tục đau nhức bởi phải làm việc trong bầu không khí ô nhiễm. Mỗi khi rửa mặt vào buổi tối, ông cảm nhận thứ gì đó màu đen chảy ra từ mũi.
“Tôi cảm thấy như có ớt trong mắt”, Mohammad Ibrahim nói.
Trong khi đó, ông Aditya Kumar Shukla, 64 tuổi than thở rằng bản thân đã nhập viện ba lần trong năm và muốn rời khỏi thành phố. Ngay cả khi ở nhà, ông cùng người dân sống ở Delhi cũng không thể tránh khỏi ô nhiễm.
“Ô nhiễm cũng sẽ xâm nhập vào bên trong vì không khí rất bẩn. Tôi muốn bỏ New Delhi nhưng không có thành phố nào ở Ấn Độ điều trị người bị hen suyễn và bệnh phổi tốt hơn”, ông chia sẻ.
Theo bác sĩ Amit Jindal ở bệnh viện Ram Manohar Lohiya, số lượng bệnh nhân mắc vấn đề về phổi tăng vọt. Nguyên nhân do liên quan trực tiếp đến khói bụi. Bệnh nhân thường có các biểu hiện như ho dai dẳng, ngực và phổi tổn thương và cay mắt.
Ông Deepak Rajak, 64 tuổi, một bệnh nhân của bệnh viện Ram Manohar Lohiya cho biết việc không khí ô nhiễm đã khiến bệnh hen suyễn trở nên trầm trọng. Đây là lần thứ hai ông phải nhập viện để điều trị bệnh.
Dẫu vậy, ông Deepak Rajak vẫn không thể nghỉ ngơi ở nhà vì gánh nặng cơm áo gạo tiền. “Nếu không đi làm thì gia đình lấy gì để sống. Dù cổ họng tôi bị tắc và khó thở”, ông cho hay.
Kajal Rajak, con gái ông Deepak Rajak chia sẻ việc gia đình đang gặp gánh nặng tài chính sau khi cha nhập viện. Họ phải vật lộn để trả tiền cho máy xịt và các xét nghiệm chẩn đoán đắt đỏ.
Ngoài ra, Kajal Rajak còn thông tin thêm về chất lượng không khí ở Delhi rằng: “Bạn không thể nhìn thấy gì ở phía trước mình”. Thậm chí, khi ở trạm xe buýt, họ cũng không thể nhìn thấy số xe.
New Delhi đã phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí trong hơn 20 năm qua. Vào năm 2019, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra chương trình Không khí sạch quốc gia nhằm cải thiện môi trường quanh ở các thành phố.
Tuy nhiên, trên thực tế, chất lượng không khí ở nơi đây vẫn trở nên tồi tệ trong những ngày không có gió. Khói bụi từ nhà máy điện chạy bằng than và giao thông lơ lửng trên bầu trời thành phố.