Phía Mỹ thông báo về mốc thời gian Ukraine chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ và chấm dứt xung đột với Nga
Giữa lúc xung đột Ukraine và Nga đang ngày càng căng thẳng, phía Mỹ vừa đưa ra mốc thời gian mà Tổng thống Volodymyr Zelensky có thể phải ngồi vào bàn đàm phán và ‘phải nhượng bộ lãnh thổ’.
Báo Washington Post vừa đưa tin, theo nguồn tin ẩn danh, quân đội Ukraine đang chịu tổn thất ngày càng lớn sau 3 năm xảy ra xung đột với Nga. Hơn nữa, việc ông Trump tái đắc cử cũng được đánh giá là bất lợi đối với quá trình bảo vệ lãnh thổ đến cùng của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Bởi lẽ, trong suốt quá trình tranh cử, ông Trump luôn đề cập đến việc sẽ cố gắng chấm dứt xung đột giữa Ukraine và Nga nhanh nhất có thể. Nói về kế hoạch cụ thể, ông cho biết sẽ gặp trực tiếp Tổng thống của hai nước đề đám phán sau khi nhậm chức vào tháng 1/2025.
Trong trường hợp Ukraine không chịu “nhượng bộ lãnh thổ”, chính quyền ông Trump sẽ lập tức xóa bỏ lệnh nới lỏng vũ khí. Đây được xem là yếu tố chính khiến Tổng thống Volodymyr Zelensky cảm thấy lo ngại trong cuộc xung đột với Nga.
Trước diễn biến trên, các quan chức của Nhà Trắng cho rằng trong vòng vài tháng nữa, Ukraine có thể buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với Nga và “phải nhượng bộ lãnh thổ”.
“Sự thừa nhận ngầm rằng Ukraine có lẽ cần phải từ bỏ lãnh thổ cũng đang lan rộng trong số những người ủng hộ châu Âu”, Washington Post đăng tin.
Về Tổng thống Mỹ đương nhiệm, ông đã đồng ý cho phép Kiev sử dụng tên lửa chiến thuật ATACMS do Washington viện trợ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Có thể hiểu rằng, ông Biden đang nỗ lực hết sức với mong muốn giúp Ukraine có được vị thế tốt nhất trước khi bước vào đàm phán với Nga
Dẫu vậy, trong thời gian gần đây, giới chức Ukraine đang phải ngầm thừa nhận việc sẽ phải đàm phán với Nga và ngoại giao là con đường duy nhất để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 1000 ngày.
Đối với Tổng thống Ukraine, ông vẫn một mực bác bỏ mọi thông tin về việc sẽ nhượng bộ lãnh thổ cho Nga. Bởi hiện tại, quân đội Ukraine vẫn đang tìm cách duy trì kiểm soát hàng trăm km2 lãnh thổ ở tỉnh biên giới Kursk của Nga. Đây cũng chính là quân bài thương lượng trong các cuộc đàm phán tiềm năng sau này.
Đồng thời, sau khi được Mỹ, Pháp, Anh cho phép dùng vũ khí tầm xa tấn công vào lãnh thổ Nga, phía Ukraine tiếp tục kêu gọi phương Tây hỗ trợ. Trước động thái này, chính quyền Nga lên tiếng phản đối và cho rằng quyết định của phương Tây khiến xung đột ngày càng căng thẳng hơn.
Theo thông tin từ Sergey Naryshkin - người đứng đầu Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR), chính quyền ông Putin không đồng tình bất cứ đề xuất nào về việc đóng băng xung đột ở Ukraine.
Thay vào đó, phía Nga sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán về Ukraine dựa trên những điều khoản do Tổng thống Vladimir Putin đưa ra. Cụ thể là Kiev phải cam kết trung lập, công nhận các vùng lãnh thổ mà Nga kiểm soát.
“Phương Tây càng sớm nhận ra sự cần thiết phải chấp nhận các điều kiện của tổng thống Nga về một thỏa thuận hòa bình và các cuộc đàm phán thì điều đó cũng sẽ tốt hơn cho Ukraine, châu Âu và Nga”, ông Sergey Naryshkin phân tích.