Nga cảnh báo sẽ đáp trả Mỹ bằng một hành động sau khi ‘an ninh quốc gia bị xâm phạm’
Những chia sẻ mới nhất của Thứ trưởng Ngoại giao Nga liên quan đến tên lửa tầm xa nhận được sự quan tâm từ truyền thông và mọi người.
Vào ngày 25/11 (theo giờ địa phương), trong một cuộc phỏng vấn, Sergey Ryabkov - Thứ trưởng Ngoại giao Nga đã chia sẻ về việc Moskva sẽ triển khai tên lửa tầm ngắn, tầm xa đến châu Á - Thái Bình Dương nếu Washington hành động tương tự ở khu vực. Tuy nhiên, ông không kể ra những hệ thống tên lửa cụ thể có thể được điều động cho nhiệm vụ này.
“Đây là một trong những lựa chọn mà chúng tôi đã nhiều lần thảo luận. Sự xuất hiện của những hệ thống vũ khí Mỹ tại bất kỳ nơi nào trên thế giới sẽ trở thành tiền đề cho những bước đi tiếp theo của Nga, bao gồm cả phản ứng về mặt kỹ thuật - quân sự”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết.
Không chỉ thế, ông Ryabkov còn đề cập đến việc chính quyền Nga sẽ không cho phép an ninh quốc gia bị xâm phạm. “Nỗ lực thuyết phục vẫn có thể tiếp tục áp dụng trong thời điểm này, nhưng thực tế cho thấy chúng không còn hiệu quả, do đó cần có biện pháp mạnh mẽ hơn”, ông chia sẻ.
Cách đây không lâu, Kyodo News đã đăng tải bài viết nói về việc Mỹ có kế hoạch đưa tên lửa đến các đảo tây nam Nhật Bản và Philippines, nếu xảy ra cuộc khủng hoảng lớn ở hai bờ eo biển Đài Loan.
Trong khi đó, Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời. Vậy nên, chính quyền quốc gia này sẽ dùng mọi biện pháp để thống nhất hòn đảo, kể cả vũ lực.
Theo ông Mao Ninh - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, chính quyền Trung Quốc “phản đối các bên lợi dụng vấn đề Đài Loan làm cớ để tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực”. Ông cho rằng động thái này đang góp phần đẩy căng thẳng lên cao, làm mất đi sự ổn định khu vực.
Đến hiện tại, giới chức trách Nhật Bản và Philippines vẫn có chưa bình luận nào trước thông tin Mỹ có kế hoạch đưa tên lửa đến các đảo tây nam Nhật Bản và Philippines.
Theo đó, từ năm 2019, căng thẳng dần tăng lên khi Washington và Moskva lần lượt rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm xa (INF), được Mỹ và Liên Xô ký kết vào năm 1987.
Cụ thể, Hiệp ước cấm hai nước phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km. Suốt thời gian qua, Nga không ít lần lên tiếng chỉ trích Mỹ vì rút khỏi INF. Thậm chí, vào tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn gọi quyết định này là “sai lầm”.