Tỉnh có diện tích quế nhiều nhất Việt Nam: Trên 81.000ha quế, chiếm 1/3 diện tích rừng của tỉnh
Tính đến hiện tại, Yên Bái đang là tỉnh trồng nhiều quế nhất Việt Nam với trên 81.000ha quế, chiếm 1/3 diện tích rừng trồng của tỉnh. Quế ở Yên Bái tập trung chủ yếu tại các huyện Văn Yên (chiếm 55% diện tích quế toàn tỉnh), Trấn Yên (23%), Văn Chấn (11%)... Tại các huyện vùng cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, đồng bào cũng chú trọng phát triển cây quế.
Hàng năm, tỉnh Yên Bái khai thác khoảng 18.000 tấn vỏ quế; 85.000 tấn cành, lá với sản lượng bình quân 600 tấn/năm và 200.000m3 gỗ quế phục vụ chế biến và xuất khẩu gỗ. Theo các hộ trồng quế, mỗi héc - ta có giá trị bình quân trên 900 triệu đồng. Những nơi có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, trồng quế đúng quy trình kỹ thuật thì giá trị có thể đạt trên 1 tỷ đồng/ha. Do vậy, thu nhập của rất nhiều hộ bảo đảm lên tới hàng trăm triệu, thậm chí là cả tỷ đồng mỗi năm.
Đặc biệt, thời gian qua, việc liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người trồng quế được chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm nhằm tập trung phát triển, hình thành các chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm từ quế, quế hữu cơ.
Hiện, một số doanh nghiệp như: Visimex, Olam Việt Nam, Công ty Sơn Hà… đã ký hợp đồng với người dân thực hiện xây dựng vùng sản xuất quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ trên địa bàn các huyện. Đến nay, toàn tỉnh có trên 6.757 ha quế được cấp chứng nhận hữu cơ. Trong đó, huyện Văn Yên 4.612 ha và Trấn Yên 2.145 ha.
Điển hình là HTX Quế hồi Việt Nam, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, là HTX được thành lập năm 2017 với số vốn điều lệ 10 tỷ đồng và sự tham gia của 22 thành viên. HTX hiện đang phát triển vùng sản xuất tập trung trên diện tích 90 ha, sản lượng thu mua bình quân 70 - 80 tấn quế/tháng. Tham gia HTX, các thành viên được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường.
Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái từng cho biết, tỉnh đặc biệt chú trọng phát triển, duy trì nguồn nguyên liệu chất lượng, làm tốt việc bảo tồn giống quế gắn với việc giữ gìn nguồn gen, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho sản phẩm...
Không chỉ quan tâm tới vùng nguyên liệu, để phát triển cây quế bền vững, tỉnh đã quan tâm, hỗ trợ xây dựng 17 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế với quy mô lớn, tổng công suất 1.000 tấn/năm. Ngoài ra, còn có trên 400 cơ sở chế biến tinh dầu quế quy mô hộ gia đình, công suất 200 tấn/năm và nhiều cơ sở chế biến vỏ quế, gỗ quế cùng các xưởng thủ công mỹ nghệ chế biến sản phẩm từ quế.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2025, Yên Bái đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị, đối với các dự án có quy mô từ 1.000 ha trở lên sẽ được hỗ trợ 2 tỷ đồng/dự án. Đây là cơ hội để phát triển sản xuất quế hữu cơ liên kết chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh.
Người Nhật có thói quen ăn cơm trắng nhưng ít bị tiểu đường, sự khác biệt trong cách ăn ít ai biết
Mặc dù người Nhật rất yêu thích món cơm trắng nhưng tỉ béo phì và mắc bệnh tiểu đường rất thấp. Lý do liên quan đến sự khác biệt trong cách ăn mà không mấy ai biết.