Thân thế người đầu bếp từng phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 28 năm nấu ăn cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Đây chính là người đầu bếp tận tụy phục vụ Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng suốt bao năm.
Ông Đặng Văn Lơ sinh năm 1929, quê ở Phú Bình, Thái Nguyên. Sinh ra trong gia đình nghèo, ông chỉ học đến lớp 3 rồi vào bộ đội, ông Lơ được biên chế vào trung đoàn 15, đại đội 421, đóng quân ở chợ Chu (Thái Nguyên).
Vào năm 1949, trong số 150 học viên được chọn đi học nấu món ăn Trung Quốc, ông Lơ là học viên xuất sắc nhất được cử đi học, thường xuyên được nấu tiêu chuẩn “đặc táo” (tức là tiêu chuẩn cao, trên “trung táo” và “tiểu táo”). Và từ đó, ông Lơ là đầu bếp thuộc cơ quan ngoại giao.
Chiến dịch Tây Bắc nổ ra vào mùa thu năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần sang làm việc với các cố vấn và có đi qua nhà bếp nơi ông Đặng Văn Lơ làm việc. Mặc dù thấy Bác Hồ đi qua nhưng vì phải giữ bí mật nên ông Lơ không dám chào. Khoảng thời gian đó, ông Đinh Văn Cẩn đều đến nấu cơm cho Bác trong cùng gian bếp với ông Lơ nên hai người biết nhau.
Ông Cẩn quan sát thấy ông Lơ là người chăm chỉ, thật thà lại có khiếu nấu ăn ngon nên sau khi kháng chiến thành công, Trung ương về Hà Nội, khi cần đầu bếp, ông Cẩn đã giới thiệu ông Lơ với tổ chức và được chấp nhận.
Tới năm 1960, ông Lơ được điều động từ cơ quan ngoại giao về công tác tại Văn phòng Thủ tướng với nhiệm vụ là đầu bếp chính của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tổng thời gian ông Lơ nấu ăn cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng là 28 năm 6 tháng. Ông Đặng Văn Lơ được ưu tiên sang Trung Quốc làm đầu bếp tại Đại sứ quán Việt Nam trong khoảng 3 năm nữa thì về nghỉ hưu.
Trong giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1969, mặc dù xét theo danh nghĩa ông Lơ là đầu bếp phục vụ Thủ tướng Phạm Văn Đồng, còn đầu bếp phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là ông Đinh Văn Cẩn.
Nhưng thực tế thì hai ông chính là thành viên một tổ bếp với biên chế hai người, cùng phục vụ Chủ tịch nước và Thủ tướng vì hàng ngày Thủ tướng Phạm Văn Đồng hay ăn cơm chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh trừ những ngày Thủ tướng tiếp khách hoặc bận làm việc.
Và còn một điều bí mật nữa đó chính là trên bảng chấm cơm của nhà bếp, Bác Hồ được ghi tên là cụ Hiền và ông Phạm Văn Đồng là ông Lành.
Tổ bếp hai người có nhiệm vụ thường nhật là đi chợ, nấu ăn ba bữa chính cùng các món nhẹ và dọn dẹp bếp. Ngoài ra, hai ông còn nấu phục vụ Bác mời cơm Bộ Chính trị, khách quý, anh hùng, chiến sĩ thi đua. Tổ bếp bắt đầu làm việc vòa lúc 4 giờ sáng.
Bên cạnh công việc bếp núc, ông Đặng Văn Lơ còn được phân công giữ kho bát đĩa và kho thực phẩm; giặt khăn ăn, khăn bàn, có lúc giặt quần áo và là quần áo cho Bác; pha nước, rửa ấm chén, lau bàn ghế, lau dọn sàn trong căn phòng Bộ Chính trị họp.
Khi nấu ăn cho các lãnh đạo, tổ bếp phải đáp ứng tiêu chuẩn quan trọng đó là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi ngày vào sáng, trưa, chiều, trước giờ ăn 1 tiếng, đều có người từ Cục Cảnh vệ lấy mẫu đem về kiểm nghiệm, nếu không vấn đề gì thì thôi, nếu có họ sẽ gọi điện sang báo ngay. Bên cạnh đó, móng tay, quần áo và con người, môi trường xung quanh cũng phải kiểm nghiệm chặt chẽ. Bên cạnh đó người đầu bếp nấu ăn cho Bác Hồ còn phải đáp ứng một yêu cầu rất quan trọng đó là tiết kiệm.
Những người đầu bếp phục vụ Bác Hồ luôn cố gắng thay đổi món chính hàng ngày vì ý thức được sức khỏe của Người là tài sản vô giá.
Những năm cuối đời, ông Lơ sống trong Trung tâm Chăm sóc Người Cao tuổi Nhân Ái. Ghi nhớ sâu sắc từng lời Bác dạy, ông Lơ ông vẫn giữ tác phong, lối sống giản dị, tiết kiệm. Ông Đặng Văn Lơ qua đời vào tháng 3 năm 2021, hưởng thọ 92 tuổi.
Ảnh minh họa Internet.
Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh.