Đời sống

Gia đình vị giáo sư nổi tiếng có 14 anh chị em: Bố là quan triều Nguyễn, mẹ là phu nhân nhất phẩm triều đình

Đây quả thực là một trong những đại gia đình lẫy lừng Việt Nam khi sở hữu những nhân tài nổi tiếng của đất nước.

Giáo sư Nguyễn Khắc Phi là nguyên Phó giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục, ông cũng được mọi người mệnh danh là “Người thầy tài hoa”, ông Khắc Phi từng đoạt học sinh giỏi Toán khu vực Bắc Trung Bộ năm 1950. Mặc dù học giỏi toán nhưng ông lại có duyên với nền văn học, ông còn là chuyên gia hàng đầu về văn học Trung Quốc và văn học Việt Nam.

Với học thức uyên bác, ông từng là giảng viên, Phó chủ nhiệm Khoa Văn tại các trường: Đại học Vinh, Đại học Sư phạm Hà Nội. Giáo sư Nguyễn Khắc Phi thông thạo nhiều thứ tiếng, ông có thể đọc nguyên tác các tác phẩm tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga.

Không chỉ thế, giáo sư Khắc Phi còn sở hữu giọng ca trời phú, đam mê môn bóng bàn, viết thơ, câu đối, ông hay dịch lời Việt cho nhiều bản nhạc Nga,… Theo Báo Quân đội Nhân dân dẫn lời nhận xét của PGS, TS Đỗ Ngọc Thống (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) về ông Nguyễn Khắc Phi quả là “một người tài hoa đa diện, một nhà văn hóa vừa uyên bác, vừa thâm sâu”.

Danh gia vọng tộc Nguyễn Khắc ở xã Sơn Hòa (nay là xã An Hòa Thịnh), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Bố ông là Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889-1954), một vị quan nổi tiếng thanh liêm trong triều đình nhà Nguyễn.

Cụ Nguyễn Khắc Nhiêm có 4 câu, 16 chữ vàng đóng góp kế sách phục hưng quốc gia dâng vua Thành Thái đến nay vẫn còn nguyên giá trị: Tôn tộc đại quy/ Tôn lộc đại suy/ Tôn tài đại thịnh/ Tôn nịnh đại suy, nghĩa là: Tôn trọng nòi giống, ắt đại hòa hợp/ Tôn trọng bổng lộc, ắt đại nguy nan/ Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh/ Tôn trọng siểm nịnh, ắt đại suy vong (Trần Đại Vinh tạm dịch). Cụ Nhiêm còn được liệt vào bậc hiền tài quốc gia, họ tên được ghi bảng vàng, hiện vẫn lưu danh trên bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu (Huế).

Các anh chị em của giáo sư Nguyễn Khắc Phi đều rất tài giỏi như: Bác sĩ, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, nguyên Ủy viên Ủy ban Liên lạc văn hóa với nước ngoài, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn (nay là Nhà xuất bản Thế giới); học giả Nguyễn Khắc Dương, nguyên Chủ nhiệm Khoa Văn-Triết học, Trường Đại học Đà Lạt, những năm 1965-1975; nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thừa Thiên-Huế, Giải thưởng văn học-nghệ thuật Nhà nước năm 2012; dược sĩ Nguyễn Thị Thiếu Anh, tác giả bài thơ “Chiếc nón Huế” nổi tiếng trong sách giáo khoa văn thời kháng chiến chống thực dân Pháp; kỹ sư Nguyễn Thị Nhuần, Xa trưởng hành khách nữ đầu tiên của ngành đường sắt miền Bắc XHCN; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các khóa V, VI... Người con cả của GS Nguyễn Khắc Phi là doanh nhân Nguyễn Chí Linh, Tổng giám đốc Tổng công ty TNHH Nhật Linh (LiOA)-doanh nghiệp nổi tiếng với sản phẩm ổn áp, dây, cáp điện…

Mặc dù có 14 người con sống chung trong một tổ ấm nhưng họ chưa bao giờ xảy ra tình trạng phân biệt con chính thất và kế thất bởi vai trò người mẹ trong gia đình rất quan trọng. Mẹ của giáo sư là phu nhân nhất phẩm triều đình, bà là người phụ nữ đoan trang mà rất cởi mở, nghiệm nghị nhưng vô cùng tinh tế, tháo vát nhưng khoan thai, đĩnh đạc. Sau năm 1945, bà hăng hái tham gia phong trào Mẹ chiến sĩ của xã và nhiều lần được bầu làm Chủ tịch hội.

Nhà tưởng niệm của cụ Nguyễn Khắc Niêm nay ở thôn Trung Mỹ trở thành địa chỉ văn hóa của xã An Hòa Thịnh, Hà Tĩnh. Để tưởng nhớ và giúp các em học sinh noi theo tấm gương cụ, trường THCS của xã được mang tên Nguyễn Khắc Viện, trạm xá xã cũng được xây dựng từ tiền tài trợ của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện.

Có thể thấy gia tộc họ Nguyễn Khắc là một trong những gia đình văn hóa kiểu mẫu khi góp phần vào việc phát triển xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, truyền thống hiếu học sâu sắc.

Theo Báo Quân đội nhân dân. Ảnh minh họa Internet.