Đời sống

Cuộc đời nữ tình báo hiếm hoi ở Việt Nam từng làm dâu nhà Công tử Bạc liêu, được mệnh danh Người đẹp Tây Đô

Cuộc đời nữ tình báo hiếm hoi ở Việt Nam từng làm dâu nhà Công tử Bạc liêu, được mệnh danh Người đẹp Tây Đô

Bà là nguồn cảm hứng của tiểu thuyết đình đám Người đẹp Tây Đô khi sở hữu chiều cao gần 1m7 cùng nhan sắc 'vạn người mê'.

Bà Lâm Thị Phấn có tên khai sinh Lâm Thị Elise (1918 – 2010), quê ở quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (nay là quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Cha bà là ông Lâm Văn Phận, đại điền chủ nổi tiếng, đồng thời là hiệu trường trường Taberd Cần Thơ (trường Châu Văn Liêm TP Cần Thơ hiện nay). Sau năm 1945, ông Phận đã tham gia kháng chiến và giữ chức Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh Cần Thơ.

Chân dùng nữ tình báo Lâm Thị Phấn.

Bà Lâm Thị Phấn chính là nguyên mẫu của tiểu thuyết “Người đẹp Tây Đô”, sau này được đạo diễn Lê Cung Bắc chuyển thể thành phim truyện cùng tên. Không chỉ có tư duy tài giỏi trong khoảng thời gian hoạt động cách mạng, bà Phấn còn sở hữu chiều cao gần 1m70, nhan sắc “vạn người mê”, nức tiếng cả một vùng.

Ngay từ nhỏ, bà được gia đình cho học hành đầy đủ, bà Lâm Thị Phấn có cả bằng tú tài của trường Taberd và có tư tưởng hiện đại, ủng hộ giải phóng phụ nữ.

Vào năm 17 tuổi, bà và anh họ của Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy về chung một nhà. Tuy nhiên, người chồng này của bà chỉ biết chơi bời, không chú trọng việc học tập vì là công tử nhà giàu, do đó cuộc hôn nhân của bà Phấn có dấu hiệu rạn nứt. Trong khoảng thời gian đi thu thuế cho nhà chồng, bà Phấn thấu hiểu và cảm thông hơn với những người nông dân.

Diễn viên Việt Trinh trong bộ phim 'Người đẹp Tây Đô'.

Vào năm 1944, bà Phấn thoát ly gia đình, quyết tâm theo đuổi con đường của cha. Sau đó bà xây dựng nên Hội phụ nữ huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, làm Hội trưởng Phụ nữ Cứu quốc huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Bà Phấn được kết nạp Đảng vào năm 1950.

Cha bà khuyên bà về lại TP Cần Thơ xây dựng lực lượng tình báo miền Tây để có thể phát huy tối đa lợi thế ngoại hình và học vấn của mình. Không lâu sau đó, bà Lâm Thị Phấn được bầu làm tổ trưởng lãnh đạo đội ngũ điệp báo miền Tây (hoạt động trong lòng địch), lấy Cần Thơ làm trụ sở. Quân Pháp còn phải choáng ngợp trước vẻ đẹp như nữ thần của bà, chúng đặt cho bà biệt danh “Thần vệ nữ phương Đông”.

Bà Lâm Thị Phấn và em gái Lâm Thị Phết.

Trong khoảng thời gian làm tình báo, bà Phấn có tình cảm với ông Trần Hiến là phiên dịch của quân Pháp lúc bấy giờ, rồi hai người cùng kết hôn và hoạt động cách mạng. Vào năm 1954, cặp đôi ra Hà Nội, bà học tiếp lấy bằng Đại học Kinh tế, sau đó sang Liên Xô học ngành tình báo. Vào năm 1962, bà trở lại miền Nam hoạt động tình báo, phụ trách hoạt động tình báo trong đội ngũ đầu não cao cấp nhất chính quyền Sài Gòn, nữ tình báo Lâm Thị Phấn đã làm nên nhiều chiến công vẻ vang trong quá trình này.

Vợ chồng bà Lâm Thị Phấn.

Bà Lâm Thị Phấn về hưu năm 1984, bà kết hôn với người chồng thứ ba là Lê Văn Thích khi tuổi đã xế chiều.

Bà qua đời vào năm 2010, hưởng thọ 92 tuổi. Dù bà đã rời xa chúng ta nhưng những công lao, đóng góp của bà Phấn luôn luôn còn mãi trong lịch sử nước Việt. Bên cạnh đó, nữ Anh hùng LLVT Lâm Thị Phấn vẫn là nguồn cảm hứng bất tận với văn học, nghệ thuật Việt Nam.

Ảnh minh họa Internet.

Theo Báo Dân Việt.