Đời sống

Ngôi mộ chôn cất con người lâu đời nhất thế giới nằm ở đâu?

Các nhà nghiên cứu đã có những phát hiện về ngôi mộ lâu đời nhất thế giới, tuy nhiên nhiều người phản bác lại điều này.

Một số bằng chứng sớm nhất về việc chôn cất có chủ đích đến từ Hang Qafzeh ở Israel, nơi có 25 ngôi mộ của con người trải dài hàng chục nghìn năm. Các thi thể đã được chôn cất có chủ đích tại đây, do có hàng chục đồ vật tang lễ tại địa điểm này như vỏ sò và di vật nhuộm màu đỏ đất son. Theo một nghiên cứu năm 1993, bộ xương lâu đời nhất có niên đại ít nhất là 100.000 năm trước, mặc dù các nghiên cứu khác cho rằng chúng có thể có tuổi đời lên tới 130.000 năm. 

Tuy nhiên thời điểm này khá sớm vì nó diễn ra rất lâu trước thời kỳ đồ đá cũ muộn (khoảng 50.000 đến 12.000 năm), thời kỳ mà bằng chứng phản ánh hành vi của con người trở nên phức tạp hơn đáng kể dưới dạng tư duy trừu tượng, hành vi tượng trưng và phát triển công nghệ.

Việc chôn cất thường được xếp vào loại hành vi “nâng cao”, cùng với những thứ như sáng tác tác phẩm nghệ thuật và đeo đồ trang sức cá nhân, vì nó ám chỉ đến nhận thức về các khái niệm trừu tượng, bản sắc cá nhân và sự vô thường. Tuy nhiên, sự thật có lẽ không rõ ràng như vậy. Những ngôi mộ ở hang Qafzeh là của người Homo sapiens, nhưng ở những nơi khác trong khu vực xung quanh, chúng ta cũng có bằng chứng cổ xưa về những ngôi mộ của loài chị em với chúng ta, người Neanderthal, những người có thể đã cố tình chôn cất người chết của họ cách đây khoảng 120.000 năm.

Ở Châu Phi, có bằng chứng cụ thể về việc chôn cất con người có niên đại ít nhất là 78.000 năm trước. Một nghiên cứu năm 2021 đã xác định việc chôn cất một đứa trẻ Homo sapien trong một hang động gần bờ biển Đông Phi ở Kenya ngày nay, cung cấp bằng chứng rõ ràng rằng việc chôn cất là cố ý.

Nếu bạn là người hâm mộ phim tài liệu khoa học trên Netflix, bạn có thể biết đến chương trình gây chấn động "UNKNOWN: Cave Of Bones". Chương trình tập trung vào công trình nghiên cứu của nhà cổ sinh vật học Lee Berger tại hang động Rising Star ở Nam Phi, nơi được cho là đã tìm thấy bằng chứng cho thấy một họ hàng đã tuyệt chủng của con người với bộ não nhỏ bé gọi là Homo naledi đã chôn cất người chết cách đây hơn 240.000 năm. Một số đánh giá về các bài viết của Berger cho thấy bằng chứng là không đầy đủ và không thỏa đáng, nó đã bị cộng đồng khoa học rộng lớn bác bỏ.

Ngày nay, nhiều nền văn hóa trên thế giới thực hiện các nghi lễ tang lễ không để lại dấu vết bằng cách thực sự đưa cơ thể con người vào không gian. Ngoài ra còn có "Tang lễ trên trời" được thực hiện ở Tây Tạng và các vùng khác của Châu Á, nơi xác người được để trên đỉnh núi để phân hủy hoặc bị kền kền ăn xác thối.

Cả hai tập tục này đều mang tính nghi lễ phức tạp, nhưng chúng để lại rất ít dấu vết, chưa nói đến bất kỳ bằng chứng vật lý nào có thể tồn tại hàng nghìn năm để con người trong tương lai nghiên cứu.  

Việc chôn cất bắt đầu như một cách để giữ xác chết tránh xa những kẻ ăn xác thối hoặc giúp kiểm soát các bệnh tật và mùi liên quan đến các cơ thể đang phân hủy. Tuy nhiên, câu hỏi về thời điểm con người bắt đầu chôn cất người chết đóng vai trò trung tâm trong quá trình hiểu biết của con người về bản thân mình vì nó đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển khả năng nhận thức, sự phức tạp về mặt xã hội và thậm chí là cả sự hiểu biết về cái chết. 

Trong một bài báo có tiêu đề "Tình yêu và cái chết trong thời kỳ đồ đá" vào năm 2016, tác giả Mary Stiner đã kết luận: "Việc chôn cất có thể tiết lộ cây cầu nghi lễ đầu tiên được chứng minh giữa người sống và người chết trong lịch sử tiến hóa của loài người".

Theo IFL Science.