Đời sống

Gia đình hiếm hoi ở Việt Nam có 4 liệt sĩ, 3 bà Mẹ Việt Nam anh hùng

Gia đình mẹ Nông từ già cho đến trẻ đều tham gia hoạt động cách mạng. Chiến sự năm ấy đã cướp đi sinh mạng của 4 người thân yêu của mẹ.

Mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông năm nay 88 tuổi, mẹ ngụ tại ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TPHCM, cho tới nay vẫn khỏe mạnh, minh mẫn.

Trong khoảng thời gian 4 năm chiến tranh ác liệt ở vùng kháng chiến Củ Chi, 4 người thân của mẹ không may đã qua đời đó là ông Kiều Văn Phi, cha ruột của mẹ, hy sinh vào năm 1968; chồng của mẹ là ông Nguyễn Văn Lèo, hy sinh năm 1966; con gái của mẹ là bà Nguyễn Thị Nắng, hy sinh năm 1969; em trai của mẹ là ông Kiều Văn Niêu, hy sinh năm 1967. Do đó trong gia đình của mẹ Nông có 3 Mẹ Việt Nam anh hùng đó là mẹ Kiều Thị Nông, mẹ ruột của mẹ là cụ bà Lê Thị Tý, mẹ chồng của mẹ là cụ bà Nguyễn Thị Ớt.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, khu vực ấp Đồng Lớn thuộc xã Trung Lập, quận Củ Chi, là vùng tranh chấp ác liệt giữa bộ đội và chính quyền Việt Nam cộng hòa. Người dân vùng này chưa kịp lớn là đã đi theo cách mạng và gia đình nhà mẹ Nông cũng không nằm ngoại lệ.

Chồng của mẹ là ông Nguyễn Văn Lèo (bí danh Tư Định) là cán bộ tiếp liệu của Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, phục vụ cho nhà in đóng tại rừng Sến (Hố Bò, xã Phú Mỹ Hưng, Củ Chi) của đơn vị. Ông Tư Định còn tổ chức nhà mình thành cơ sở bí mật hỗ trợ cho Ban tiếp liệu trong những đợt vận chuyển vật tư, vũ khí.

Vào năm 1966, ông Tư Định bị vùi lấp trong hầm trong trận càn ác liệt, địch bắn pháo cấp tập vào căn cứ của nhà in ở Phú Mỹ Hưng, Củ Chi, hầm chứa vật tư của nhà in bị trúng pháo. 4 ngày sau khi chồng mẹ Nông mất, đồng đội mới có thể xuống hầm để đưa thi thể của ông lên an táng vì địch vây căn cứ rất nhiều ngày.

Cho tới năm 1967, em ruột của mẹ Nông là liệt sĩ Kiều Văn Niêu, chiến sĩ hậu cần của quân khu Sài Gòn - Gia Định cũng hy sinh trong một trận càn.

Cha của mẹ Nông là cụ Kiều Văn Phi, là cán bộ địa phương, cũng không may hy sinh trong một trận tập kích bất ngờ của địch đúng lúc đang họp chi bộ ngay tại nhà vào năm 1968.

Còn con gái lớn của mẹ là bà Nguyễn Thị Nắng (SN 1954) khi mới 12 tuổi, liệt sĩ Nắng chính thức tham gia cách mạng và được giao nhiệm vụ làm giao liên, trinh sát, hướng dẫn các đoàn vận chuyển nguyên vật liệu từ vùng địch về vùng ta.

Tuy nhiên vào ngày 14/1/1969, bà Nguyễn Thị Nắng bị cuốn vào trận địa du kích địa phương phục kích Sư 25 chính quyền Việt Nam cộng hòa sau khi dẫn đoàn vận chuyển hàng hóa, liệt sĩ Nắng hy sinh khi chưa tròn 15 tuổi.

4 người thân yêu trong gia đình bà đã bị chiến tranh cướp đi sinh mạng. Không có một thước đo nào có thể đo được nỗi đau mất đi người con, người cha, người mẹ, người em ruột thịt. Với sức kiên cường và tình yêu con vô bờ bến, mẹ Nông đã cố gắng nuôi nấng 4 đứa con còn nhỏ dại của mình và 4 cháu con của liệt sĩ Kiều Văn Niêu, còn nhỏ hơn.

Theo Báo Dân Trí, mẹ Nông kể lại ngày chồng bà hy sinh, mẹ đang mang thai người con thứ 5, khi đó người con gái lớn là bà mới 12 tuổi.

Hiện tại, mẹ Kiều Thị Nông chia sẻ cuộc sống của mẹ khá ổn định, có trợ cấp chính sách của nhà nước để sống an nhàn tuổi già. Các con cháu đã trưởng thành, gia đình êm ấm với nghề nghiệp ổn định là mẹ yên lòng.

Bên trong căn nhà xưa của gia đình mẹ Nông chứa đựng nhiều tài liệu, kỷ vật quý gắn liền với thành tích chiến đấu của cha mẹ, chồng và con gái. Bên cạnh đó, mẹ Nông cũng chia thành những khoa nhỏ để treo huân huy chương, giấy chứng nhận Mẹ Việt Nam anh hùng, bằng Tổ quốc ghi công của bản thân và các liệt sĩ trong gia đình.

Vào những đợt lễ tết, nhận được sự quan tâm từ chính quyền địa phương, học sinh trong vùng nên mẹ Nông cũng không buồn nữa.

Ảnh Internet.

Theo Dân Trí.