Đời sống

‘Hố tử thần’ 8m xuất hiện giữa quốc lộ, đổ 30 xe đá xuống lòng hố vẫn không lấp được

Sự xuất hiện bất ngờ của ‘hố tử thần’ khiến nhiều người dân hoang mang. Chính quyền địa phương huy động lực lượng đổ 30 xe đá xuống lòng hố nhưng không san lấp được.

Vào sáng ngày 31/3, ông Trương Quang Trọng, Chủ tịch UBND xã Kim Lư, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn đã thông tin rằng vào đêm ngày 28, rạng sáng ngày 29/3 vừa qua, trên tuyến quốc lộ 3B đoạn đi qua thôn Hiệp Lực, xã Kim Lư đã xuất hiện một hố sụt lún nghiêm trọng, thường được gọi là "hố tử thần".

Người dân sống trong khu vực này cho biết, họ nghe thấy tiếng động mạnh lúc nửa đêm. Sau đó, nhiều người phát hiện hố sụt lớn trên đường vào sáng hôm sau. “Hố tử thần” này dài khoảng 7m, sâu khoảng 5m, để lại 1 khoảng trống lớn dễ thấy từ mặt đất sâu xuống dưới. Theo nhận định sơ bộ từ các cơ quan chuyên môn, sự xuất hiện của hố sụt có thể là do đặc điểm nền địa chất yếu của khu vực và không có dấu hiệu nào cho thấy sự tác động của con người gây ra hiện tượng này.

ho-tu-than-bac-kan-17433917668211366459205_11zon

Tuy nhiên, tới ngày 30/3, hố sụt này đã rộng và sâu thêm. Hố sâu khoảng 8m, chiều dài 8,6m và làm hư hỏng công trình. Để khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương đã quyết định đổ 30 xe đá xuống lòng hố để san lấp nhưng vẫn không được. Hiện, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Kạn đã có phương án phân luồng giao thông tạm thời tại khu vực này để đảm bảo an toàn cho người dân.

1000018644-8679-5541 (1)

Hố sụt, hay còn được biết đến với tên gọi "hố tử thần" là một hiện tượng địa chất nguy hiểm, xảy ra khi bề mặt đất đột ngột sụp lún xuống dưới, tạo thành một hố sâu. Nguyên nhân hình thành hố sụt rất đa dạng, khiến lớp đất phía trên không còn đủ sức chống đỡ và sụp xuống. 

Hố sụt thường xảy ra bất ngờ và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng con người, phá hủy nhà cửa, công trình giao thông và cơ sở hạ tầng. Kích thước của hố sụt có thể rất khác nhau, từ vài mét đến hàng trăm mét. Việc dự báo và phòng tránh hố sụt là một thách thức lớn đối với các nhà địa chất và chính quyền địa phương. Các biện pháp thường được áp dụng bao gồm khảo sát địa chất kỹ lưỡng trước khi xây dựng, theo dõi mực nước ngầm và có các biện pháp cảnh báo, sơ tán kịp thời khi phát hiện dấu hiệu bất thường.