Hình tượng Rồng Việt Nam qua các triều đại phong kiến: Biểu tượng quyền lực, phong thái mãnh liệt
Trải qua các triều đại phong kiến Việt Nam, hình tượng con rồng xuất hiện với hình dáng, khí chất và tư thế khác nhau.
Rồng là một trong bốn linh vật mang may mắn: Long, Lân, Quy, Phượng tại Việt Nam, hình tượng rồng còn là biểu tượng linh thiêng có liên quan tới quan niệm vạn vật tương sinh tương khắc đối với nền văn hoa phương Đông cổ đại.
Vào năm 1009, tương truyền khi vua Lý Công Uẩn rời kinh đô Hoa Lư đến đất Đại La thì bỗng thấy rồng bay lên, nên ông gọi tên kinh đô mới là Thăng Long, có ý nghĩa theo Hán Việt là “rồng bay lên", tượng trưng cho khí thế mạnh mẽ, bất khuất của nhân dân ta. Với sự phát triển của các thời kỳ của Việt Nam, hình tượng con rồng cũng được thay đổi từ đặc điểm tới tư thế vô cùng độc đáo.
Rồng thời Đinh – Tiền Lê (thế kỷ X): Bằng chứng về hình tượng rồng thời kỳ này đã được các nhà khảo cổ tìm ra mẫu vật hình rồng với chất liệu đất nung tại quê hương của vua Đinh Tiên Hoàng (Gia Viễn, Ninh Bình). Mặc dù chỉ kéo dài 42 năm lịch sử từ năm 968 đến năm 1009 nhưng điểm đặc biệt ở hình tượng rồng được người xưa tạo nên dáng vẻ mềm mại, sắc sảo nhưng vẫn giữ được khí chất oai phong, nghiêm chỉnh.
Rồng thời Lý: Vào thế kỷ 11 – 12, dáng vẻ của rồng thời Lý mềm mại, thân hình cong nhỏ dần về phía đuôi, ở phần đầu có mào lửa rất hùng dũng. Người xưa còn gọi đây là rồng rắn hoặc rồng giun, một số đặc điểm nhận biết rồng thời Lý là các chi tiết trên râu, khủy chân, bờm thường uốn theo một nhịp điệu, hình tượng rồng thời kỳ này có 3 móng chân, móng cong dài và nhọn khá giống cựa gà, thậm chí còn có tạo hình rồng 5 móng như hình rồng trên cột đá chùa Dạm. Theo các chuyên gia nhận định, hình tượng rồng thời Lý chính là sự hoàn thiện cao, chuẩn mực về trình độ mỹ thuật của người xưa từ tạo hình rồng có từ thời Đinh-Tiền Lê.
Rồng thời Trần: Vào thế kỷ thứ 13 – 14, hình tượng rồng tiếp tục phát triển trên cơ sở kế thừa phong cách rồng thời Lý. Nhưng phong cách của rồng thời Trần mạnh mẽ, khí thế, dũng mãnh hơn, đồng thời thể hiện tinh thần thượng võ sau khi dân tộc ta trải qua 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Thay vì sở hữu thân hình nhiều khúc uốn lượn như thời kỳ trước, rồng thời Trần có nét đơn giản, săn chắc, phóng khoáng hơn, món vuốt dần ngắn đi và to hơn, chân rồng to và chắc khỏe, đồng thời cặp sừng hay phần vòi ngắn lại và thân hình chắc nịch, xuất hiện nhiều tư thế rồng mới rồng uốn khúc hình yên ngựa vô cùng tinh tế.
Rồng thời Lê sơ: Đây là thời kỳ Nho giáo phát triển, rồng trở thành biểu tượng của đấng thiên tử thời Lê sơ (thế kỷ 15) do chế độ phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam được củng cố, đồng thời những quy định về điển lễ vương triều được thiết lập chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn. Nhà vua sử dụng những đồ vật có vẽ hình rồng 5 món được gọi là đồ ngự dụng. Rồng thời Lê được tiếp thu tạo hình từ rồng thời Minh với các bộ phận ấn tượng như miệng lang, mắt quỷ, thân rắn, chân cá sâu, mũi sư tử, móng chim ưng,...
Trong thế kỷ thứ 16, nhà Mạc tồn tại hơn 60 năm, hình tượng rồng ở thời kỳ này sở hữu khúc thân uốn hình yên ngựa đặc biệt.
Thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17): Vào thời kỳ này nghệ thuật tạo hình dân gian phát triển mạnh mẽ và hình tượng rồng không nằm ngoại lệ. Hình tượng rồng xuất hiện ở các đình làng với mô típ đậm tâm thức dân gian với phong thái vui tươi, phóng khoáng hơn trước.
Rồng thời Nguyễn: Đến thời Nguyễn từ thế kỷ thứ 19 đến đầu thế kỷ thứ 20, rồng thời kỳ này xuất hiện ở nhiều đề tài phong phú về cả chất liệu và hình thức biểu đạt, gần gũi hơn với nhân dân. Một trong những đặc điểm nhận dạng dễ nhận biết nhất ở rồng thời Nguyễn đó là đuôi xoáy tròn hình đóm lửa hoặc xòe rẻ quạt. Đối với nghệ thuật cung đình, rồng sở hữu dáng vẻ mãnh liệt, tôn nghiêm, tượng trưng cho sức mạnh vương quyền. Đặc điểm hình thức của rồng được quy định riêng cho vua, hoàng tộc và từng phẩm hàm quan lại,... hình tượng rồng đó dành cho vua luôn là rồng 5 móng. Rồng thời Nguyễn được người xưa chạm khắc trên các kiến trúc, cỏ vật xưa với nhiều tư thế như rồng ngậm chữ Thọ, rồng chầu mặt trời, rồng bay trong mây, hay cách điệu hơn là hoa lá hóa rồng, mai hóa rồng, trúc hóa rồng.