Đời sống

Cận cảnh Bảo vật Quốc gia Đầu rồng thời Trần giữa Thủ đô Hà Nội: Miệng ngậm ngọc báu, tư thế oai phong

Cận cảnh Bảo vật Quốc gia Đầu rồng thời Trần giữa Thủ đô Hà Nội: Miệng ngậm ngọc báu, tư thế oai phong

Hiện vật này không chỉ là tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà còn là minh chứng lịch sử của một triều đại Việt Nam.

Bảo vật Đầu rồng thời Trần được phát hiện tại hố A11 của khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, là một trong những hiện vật lịch sử quý giá nhất của Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Đầu rồng có số hiệu C7-5201, chiều cao 60 cm, khoảng cách từ miệng đến bờm sau gáy là 52 cm, chiều rộng của bờm là 17 cm. Hiện vật được làm bằng chất liệu đất nung, phần bờm và mào được thiết kế theo hướng chuyển động mạnh, uốn lượn hướng về trước rất oai phong, mạnh mẽ nhưng không kém sự uyển chuyển, chân thật của một tác phẩm nghệ thuật.

Bảo vật quốc gia có phần miệng mở to, ngậm ngọc báu, má phình rộng, răng rồng rõ ràng, điểm đặc biệt ở hiện vật đó chính là bộ phận mũi và môi trên “biến hóa” thành mào lửa hình lôi văn chữ S, răng rồng uốn cong theo mào lửa vô cùng độc đáo. Ngọc báu được bao bọc bởi lưỡi rồng, da rồng phủ kín vảy được chạm trổ chi tiết từng vảy có hoa văn bên trong.

Thời điểm khi mới xuất lộ, đầu rồng thời Trần bị vỡ phần bờm và một số mảnh nhỏ tuy nhiên trong quá trình phục chế, các nhà nghiên cứu đã sử dụng bột đá và keo nên sắc độ có phần thay đổi so với màu gốc.

Hiện vật đặc biệt này phản ánh sự tiếp nối và kế thừa nghệ thuật thời Lý của nghệ thuật tạo hình thời Trần, đồng thời cho thế hệ con cháu sau này hiểu được nền văn hóa, văn minh của các triều đại quân chủ Việt Nam.

Tượng đầu rồng được trang trí ở hai vị trí trên bộ mái, đầu tiên là ở đầu kìm – đỉnh đầu hồi của công trình được gọi là con kìm. Vị trí thứ hai là điểm kết thúc ở bờ chảy, có tên gọi là con sô. Hiện vật Đầu rồng Hoàng thành Thăng Long có số hiệu C7-5201 thuộc nhóm thứ nhất - con kìm. Trước đó, các đầu rồng thời Trần còn được tìm thấy ở Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh.