Các chuyên gia đã phân tích và tìm ra câu trả lời vì sao nước tiểu lại có màu vàng, đồng thời hé lộ những thông tin vô cùng thú vị về cơ thể người.
Chúng ta thường chú ý đến màu sắc của nước tiểu như một dấu hiệu cho thấy tình trạng sức khỏe của bạn tại thời điểm đó nhưng có bao giờ bạn tự hỏi tại sao nước tiểu lại có màu vàng không? Các nghiên cứu gần đây đã bật mí đó chính là do một enzyme mới được phát hiện bởi vi khuẩn đường ruột sản xuất.
Quá trình này tập trung vào cách chuyển hóa một hợp chất gọi là bilirubin (một sắc tố màu cam được tạo ra khi huyết sắc tố bị phá vỡ khi tế bào hồng cầu hết tuổi thọ 120 ngày). Bilirubin bị phân hủy hoặc được tái hấp thu ở ruột, nơi nó được tiết ra qua mật. Sản phẩm của quá trình phân hủy này có tên là urobilin là nguyên nhân khiến nước tiểu có màu vàng nhưng loại enzyme chịu trách nhiệm sản xuất ra nó mà nhóm nghiên cứu đặt tên là bilirubin reductase (BilR).
Các vi khuẩn đường ruột mã hóa enzyme bilirubin reductase chuyển đổi bilirubin thành một sản phẩm phụ không màu gọi là urobilinogen. Urobilinogen sau đó phân hủy một cách tự nhiên thành một phân tử gọi là urobilin, chất tạo nên màu vàng nước tiểu.
Các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng enzyme này thường bị thiếu ở trẻ sơ sinh vào năm đầu đời. Đây cũng chính là thời điểm trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc bệnh vàng da cao nhất, điều này có liên quan vì vàng da là do bilirubin tích tụ trong máu. Bên cạnh đó họ cũng phát hiện ra loại enzyme này bị thiếu ở những người bị viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn nhiều hơn đáng kể so với những người không mắc các bệnh này.
Sau khi các chuyên gia xác định được enzyme này thì họ có thể bắt đầu nghiên cứu xem vi khuẩn trong ruột của con người tác động như thế nào đến mức bilirubin lưu thông và các tình trạng sức khỏe liên quan như bệnh vàng da. Điều đặc biệt là chuyên gia đã giải đáp được thắc mắc của đông đảo người dân về hiện tượng sinh học hàng ngày của con người.
Theo IFL Science.