Xe Trung Quốc tìm mọi cách gây ‘ồn ào’, nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn ‘dửng dưng’
Mặc dù sử dụng nhiều chiêu bài khác nhau, nhưng các thương hiệu xe Trung Quốc vẫn gặp khó khăn lớn khi cố gắng tiếp cận các khách hàng tại Việt Nam.
Là một thị trường tiềm năng nằm ngay sát Trung Quốc, Việt Nam trong những năm qua đã trở thành mục tiêu của nhiều thương hiệu tới từ đất nước đông dân nhất thế giới. Ngày càng có nhiều hãng xe Trung Quốc đưa sản phẩm tới Việt Nam với tham vọng cạnh tranh cùng các thương hiệu Nhật, Hàn, Đức…
Ở thời điểm mới xâm nhập vào thị trường Việt Nam, các mẫu xe Trung Quốc thường được niêm yết giá ở mức rẻ hơn nhiều so với các đối thủ tới từ những thương hiệu của nước khác. Tuy nhiên, do hoài nghi về chất lượng, khách hàng Việt vẫn tỏ ra khá thờ ơ với những chiếc xe giá rẻ có nguồn gốc từ nước láng giềng. Điều này có thể nhận ra khi doanh số các mẫu xe Trung Quốc tại thị trường Việt Nam đều không cao. Quan sát ngoài thực tế, cũng rất hiếm hoi để có thể bắt gặp một mẫu xe tới từ các thương hiệu Trung Quốc.
Sự thất bại của xe ô tô giá rẻ Trung Quốc là điều khá dễ hiểu bởi trước đây khách Việt từng phải thất vọng với chất lượng các mẫu xe máy giá rẻ tới từ nước bạn. Trong những năm cuối thập niêm 1990, đầu thập niên 2000, các hãng xe máy Trung Quốc từng ‘làm mưa làm gió’ tại Việt Nam nhờ giá bá rẻ hơn hẳn so với xe Nhật. Tuy nhiên, do các thương hiệu Trung Quốc tập trung vào cạnh tranh giá bán trong khi chất lượng ngày càng đi xuống, khiến cho khách Việt dần mất đi lòng tin và chuyển sang ưa chuộng xe Nhật.
Không đạt được hiệu quả kinh doanh mong muốn với ô tô giá rẻ, có vẻ như các thương hiệu xe Trung Quốc đã quyết định thay đổi ‘chiến thuật’. Giờ đây, các hãng ô tô Trung Quốc có xu hướng chuyển sang dùng những chiêu bài mới như sử dụng giá cao và chế độ bảo hành dài để khẳng định chất lượng, tung ưu đãi khủng…
Nhân viên kinh doanh tại các đại lý của Lynk & Co và BYD – những cái tên mới gia nhập thị trường Việt Nam thời gian gần đây cho biết xe được bán theo đúng giá niêm yết của hãng, không có chính sách ưu đãi giá để ‘khẳng định chất lượng ngay từ đầu’. Theo đó, những mẫu xe Lynk & Co 01, Lynk & Co 05 và Lynk & Co 09 sau 1 năm sử dụng vẫn có thể bán lại với giá tương ứng lần lượt là 999 triệu đồng, 1,599 tỷ đồng và 2,199 tỷ đồng…
Hãng Lynk & Co với chiến lược định vị sản phẩm ở phân khúc cao cấp sẽ mua lại xe đã qua sử dụng với tỷ lệ mất giá thấp, chỉ giảm 10% giá trị xe mỗi năm. Trong khi đó, BYD dùng chế độ bảo hành dài lên tới 8 năm cho 3 mẫu xe đang mở bán giá từ 659 triệu đồng tới 1,359 tỷ đồng nhằm thuyết phục khách hàng Việt về chất lượng sản phẩm của hãng.
Một số thương hiệu như Haval, MG và TMT Motors lại quyết định giảm giá sâu các mẫu xe của mình từ vài chục triệu đồng cho tới 160 triệu đồng hòng thu hút người tiêu dùng Việt Nam. Ví dụ như mẫu xe Haval H6 được chào bán với giá 840 triệu đồng, giảm 146 triệu đồng so với giá niêm yết ay MG RS5 đang giảm tới 160 triệu đồng so với mức giá niêm yết 739 – 829 triệu đồng. Ngay cả Wuling Mini EV là một mẫu xe điện có giá bán rất rẻ, chỉ từ 239 – 279 triệu đồng cũng đang giảm mạnh 48 – 58 triệu đồng tuỳ phiên bản.
Bất chấp những động thái khách nhau, các hãng xe Trung Quốc ở thời điểm hiện tại vẫn chưa thể thành công trong việc tiếp cận khách Việt và có doanh số rất khiêm tốn. Niềm tin là thứ khó tìm nhất, nhưng cũng là thứ dễ mất nhất. Vì vậy, có lẽ các hãng xe Trung Quốc vẫn cần thời gian dài và phải vượt qua nhiều khó khăn nếu muốn xây dựng được chỗ đứng vững chắc như các thương hiệu Nhật, Hàn hay Đức.