BYD từng 'tháo chạy' khỏi Việt Nam với mẫu xe 'nhái' 262 triệu đồng, liệu giờ có thể 'lật kèo' giữa nhiều bê bối ?
Dù có giá bán rẻ hơn nhiều so với Kia Morning, nhưng mẫu hatchback của hãng xe Trung Quốc vẫn bị khách Việt ‘quay lưng’ vì hàng loạt ‘điểm trừ’.
Cách đây chưa lâu, thương hiệu Trung Quốc BYD đã mang tới thị trường Việt Nam 3 mẫu xe gồm Dolphin, Atto 3 và Seal. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên BYD thử sức tại trường nước ta. Trước đó, vào năm 2010, hãng xe này từng thử vận may tại thị trường Việt Nam với BYD FO – một mẫu xe cỡ A nhái theo kiểu dáng của Toyota Aygo. Mặc dù có giá công bố rất rẻ, chỉ khoảng 262 triệu đồng, nhưng do có quá nhiều “điểm trừ”, mẫu xe này vẫn không thể cạnh tranh nổi với “ông hoàng” cỡ A ở thời điểm đó là Kia Morning.
BYD FO có kích thước khá khiêm tốn so với Kia Morning khi mẫu xe Trung Quốc này chỉ có chiều dài 3.460 mm. Kích thước nhỏ gọn dẫn đến việc BYD FO có không gian nội thất không quá rộng rãi mà chỉ ở mức “vừa đủ”. So với các đối thủ cùng phân khúc, khu vực cốp chứa đồ ở phía sau của BYD FO đã bị thu hẹp đi nhiều vì kích thước khiêm tốn.
Các trang bị của BYD FO cũng không có gì nổi trội nếu không muốn nói là tương đối nghèo nàn với vô-lăng trợ lực dầu, la-zăng hợp kim đúc 14 inch, cánh gió mui tích hợp đèn phanh thứ 3, đèn trước dạng halogen.
Bên trong cabin, BYD FO có tùy chọn nội thất nỉ hoặc da, hệ thống âm thanh CD, MP3 và có cổng AUX, chìa khóa điều khiển điện, hệ thống điều hòa cơ 2 chiều, gương chiếu hậu chỉnh tay, ghế sau gập được xuống tạo mặt phẳng chứa đồ.
Động cơ mà BYD FO sử dụng là loại dung tích 1.0L, DOHC, 3 xi-lanh với công suất tối đa 67 mã lực tại 6.000 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại 90 Nm tại 4.000 – 4.500 vòng/phút. Mẫu xe này chỉ có duy nhất tùy chọn hộp số sàn 5 cấp chứ không có số tự động.
Các trang bị an toàn tiêu chuẩn trên BYD FO khi đó có 2 túi khí cho hàng ghế trước, dây đai an toàn 3 điểm cho 4 vị trí ghế ngồi, hệ thống chống bó cứng phanh ABS và phân bổ lực phanh điện tử EBD. Ở thời điểm ra mắt, BYD FO đã gây ra khá nhiều tranh cãi khi không có hệ thống cân bằng điện tử ESP.
Mặc dù giá bán rẻ hơn rất nhiều so với Kia Morning, nhưng BYD FO vẫn không được khách hàng Việt đánh giá cao bởi mẫu xe này có hệ thống côn và số chưa trơn tru, khoang máy có độ ồn lớn, khả năng vận hành chỉ ở mức trung bình. Chính những điểm trừ này khiến cho doanh số của BYD FO tương đối bết bát và nhanh chóng cùng BYD “biến mất” khỏi thị trường Việt Nam sau khi ra mắt không lâu.
Giờ đây, sau 14 năm, BYD mới quay trở lại với dàn xe thuần điện. Dù đã quay trở lại Việt Nam nhưng khả năng thành công của BYD vẫn là một dấu hỏi lớn, bởi các mẫu xe mà hãng giới thiệu lần này đều có giá bán cao hơn so với giá dự kiến được hé lộ trước ngày ra mắt. Thêm vào đó là việc khách Việt không có nhiều hảo cảm với những mẫu xe có xuất sứ từ Trung Quốc mà thường có xu hướng quan tâm nhiều hơn tới xe Nhật, Hàn Quốc, Mỹ và Đức.
Đặc biệt, thương hiệu BYD cũng từng có khá nhiều tai tiếng liên quan tới chất lượng, cháy… Mới đây nhất, hãng xe này còn bị căng băng rôn phản đối ở chính quê nhà Trung Quốc vì giảm giá vô lý.
Cụ thể thì nhiều khách hàng của Fang Cheng Bao (thương hiệu xe địa hình của BYD) vì giảm giá 50.000 nhân dân tệ (khoảng 175,86 triệu VNĐ) cho mẫu Bao 5 (Leopard 5). Hành động này đã làm mất lòng nhiều khách hàng hiện tại của hãng. Thậm chí, một số người đã biểu tình tại các đại lý hoặc gửi đơn khiếu nại.
Ngày càng xuất hiện nhiều các biểu ngữ phản đối mang nội dung như "Chờ 3 tháng mới được giao xe, Fang Cheng Bao cắt giảm 50.000 nhân dân tệ trong một ngày, thà mua một chiếc Tank còn hơn” được khách hàng tại Trung Quốc căng ra để phản đỗi hãng xe này.