Galaxy Z Fold2 vẫn mang thiết kế cơ bản giống với thế hệ Galaxy Fold năm ngoái với một màn hình phụ nhỏ ở ngoài và màn hình gập lớn ở bên trong. Nếu như ở thế hệ Galaxy Fold đầu tiên, cả hai màn hình này đều có điểm trừ (màn hình ngoài quá nhỏ và viền dày, màn hình trong bị cắt khoét một phần "tai thỏ" cho camera), thì trên Z Fold2, những khiếm khuyết này đã được khắc phục triệt để.
Màn hình phụ của máy có kích thước 6.2 inch, lớn hơn đáng kể và phần viền ở trên/dưới gần như đã được triệt tiêu. Kích thước màn hình phụ lớn hơn khiến cho nó không còn trở nên "vô dụng" như ở thế hệ đầu tiên, giúp cho người dùng có thể thực hiện nhanh một số tác vụ mà không cần thiết phải mở máy ra. Trong khi đó, màn hình chính của Z Fold2 cũng được nâng lên 7.6 inch, không còn phần "tai thỏ" như ở thế hệ đầu tiên mà thay vào đó là một lỗ khoét duy nhất cho camera, gọn gàng hơn.
Không chỉ nâng cấp về mặt thiết kế, màn hình của Z Fold2 còn được nâng cấp cả về mặt công nghệ. Tiếp tục ứng dụng công nghệ AMOLED dẻo, màn hình chính của Z Fold2 nay có tần số quét lên tới 120Hz, khiến cho tất cả mọi chuyển động trở nên mượt mà hơn. Màn hình này có khả năng tự động điều chỉnh tần số quét dựa trên nội dung đang được hiển thị.
Độ bền là một trong những vấn đề nổi cộm nhất của Galaxy Fold thế hệ đầu tiên. Để có thể uốn dẻo, Galaxy Fold buộc phải sử dụng màn hình bằng nhựa, rất dễ trầy xước và hư tổn. Chưa kể, phần bản lề của máy có thể bị kẹt bởi những hạt bụi/cát/dị vật... Đây là trở ngại khiến cho nhiều người cảm thấy e dè với những chiếc điện thoại màn hình gập.
Samsung đã cố gắng khắc phục vấn đề về độ bền trên Z Fold2. Về chất liệu màn hình, Samsung bổ sung thêm một lớp kính siêu mỏng (UTG - Ultra-thin Glass), giúp cho nó cứng cáp hơn. Trong khi đó, bên trong bản lề của Z Fold2 là một lớp "chổi quét" loại bỏ các hạt bụi lọt vào, bảo vệ cơ chế cơ học của bản lề cũng như các linh kiện phía bên trong của máy.
Đầu tiên, Samsung đã thiết kế bản lề của Z Fold2 để có thể gập được ở một số góc độ nhất định. Người dùng có thể sử dụng bản lề này để thực hiện một số tác vụ rảnh tay, ví dụ như đặt máy lên bàn để xem video mà không cần giữ tay, hay chụp ảnh phơi sáng không cần tripod.
Thế nhưng, chưa dừng lại ở đó, Samsung còn mang đến cho Z Fold 2 tính năng "Flex Mode", giúp chia màn hình ra hai phần riêng biệt khi phát hiện người dùng đang gấp máy ở một góc độ nào đó. Ví dụ ở ứng dụng camera, viewfinder sẽ được hiển thị ở nửa trên, trong khi nửa dưới sẽ là các nút tính năng và ảnh chụp gần đây nhất.
Để khai thác tối đa diện tích hiển thị lớn của màn hình trong, Samsung đã mang thêm nhiều tính năng mới cho giao diện đa nhiệm đa màn hình của Z Fold2. Người dùng sẽ vẫn có thể mở tối đa ba ứng dụng cùng lúc, nhưng nay họ sẽ có thể kéo/thả nội dung giữa các ứng dụng với nhau. Một số ứng dụng được tối ưu hoá cũng sẽ hiển thị giao diện phù hợp hơn với kích thước màn hình lớn.
Galaxy Z Fold2 sẽ được trang bị con chip Snapdragon 865+, RAM 12GB và bộ nhớ trong 256GB. Đương nhiên, cũng như nhiều mẫu flagship gần đây của Samsung, Galaxy Z Fold2 sẽ có phiên bản hỗ trợ mạng 5G.
Camera của máy bao gồm một camera chính 12MP f/1.8, một camera góc siêu rộng 12MP f/2.2, một camera tele 12MP f/2.4, camera selfie 10MP f/2.2 ở mặt trước và camera selfie 10MP f/2.2 ở bên trong. Viên pin của Galaxy Z Fold2 có dung lượng 4500mAh, sạc nhanh 25W và sạc không dây 11W. Máy có cảm biến vân tay ở cạnh bên tương tự thế hệ tiền nhiệm.
Galaxy Z Fold2 sẽ có giá 1999 USD và lên kệ tại những quốc gia đầu tiên vào ngày 18/9 tới. Như vậy, giá bán của Z Fold2 không có sự thay đổi so với thế hệ Galaxy Fold đầu tiên, và đây vẫn là rào cản lớn nhất khiến cho không phải ai cũng có thể sở hữu chiếc máy này. Galaxy Z Fold2 sẽ có hai phiên bản màu sắc để người dùng lựa chọn là vàng đồng (Mystic Bronze) và đen (Mystic Black). Người dùng còn có thể tuỳ biến màu sắc của bản lề nếu như đặt hàng với Samsung.
Ngoài ra, song song với Galaxy Z Fold2 phiên bản thông thường, Samsung sẽ còn tung ra phiên bản đặc biệt của chiếc máy này được hợp tác cùng nhà thiết kế Thom Browne.