Đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, sự cố xảy ra ngày 22/5 trên đôi sợi FP10 của phân đoạn S1H.1 của tuyến AAE-1 bắt đầu được khắc phục từ 21h ngày 3/7, lỗi trên cáp biển AAE-1 sẽ được sửa xong, khôi phục hoàn toàn dung lượng trên tuyến vào 0h ngày 13/7, chậm hơn 2 ngày so với lịch được đơn vị quản lý tuyến cáp thông báo tới các nhà mạng tại Việt Nam ngày 1/7.
Thời gian khắc phục sự cố trên tuyến cáp biển AAG sẽ kéo dài thêm 10 ngày do phát hiện thêm điểm lỗi thứ 2 gần vị trí lỗi được phát hiện ngày 22/6
Đối với AAG, thay vì hoàn thành công tác sửa chữa, khắc phục sự cố vào hôm nay, ngày 7/7 như kế hoạch đã công bố trước đó, thời gian sửa cáp sẽ còn kéo dài đến ngày 17/7, do trong quá trình khắc phục lỗi trên nhánh S1H cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 102 km, đã phát hiện thêm lỗi thứ hai ở gần đó.
Theo đó, dự kiến lỗi nhánh S1H cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 102 km của tuyến cáp AAG sẽ được sửa xong vào ngày 9/7. Tiếp đó, từ ngày 11/7 đến ngày 17/7, tàu sửa cáp sẽ tiếp tục sửa chữa điểm lỗi thứ hai mới được phát hiện.
Như vậy, nếu việc sửa chữa, khắc phục các sự cố trên 2 tuyến cáp biển AAE-1 và AAG được tiến hành thuận lợi theo đúng kế hoạch nêu trên thì sau 10 ngày nữa, kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế mới hoạt động trở lại bình thường.
AAE-1 và AAG là 2 trong 5 tuyến cáp biển chiếm phần lớn dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, cùng với các tuyến cáp APG, IA và SMW3.
Trong đó, tuyến cáp AAE-1 được đưa vào khai thác từ tháng 7/2017, có vai trò nâng cao chất lượng hướng châu Âu, Trung Đông cũng như cung cấp bổ sung thêm dung lượng và dự phòng tới hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc), Singapore. Tuyến cáp biển này được ứng dụng công nghệ tiên tiến; có mạng lưới, trạm cập bờ và các điểm kết nối được hoạch định tối ưu và linh hoạt, hỗ trợ nhà mạng có thêm nhiều phương án thiết kế để điều chuyển lưu lượng.