Người dùng internet nói gì về Nghị định 168 và bài toán xử phạt vi phạm giao thông?
Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân. Đặc biệt, dự thảo tại Hà Nội đề xuất tăng gấp đôi mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm, khơi lên nhiều tranh luận trái chiều trong dư luận. Khảo sát do trình duyệt Cốc Cốc thực hiện với hơn 2.000 người dùng trên toàn quốc đã hé lộ nhiều góc nhìn đáng chú ý.
Người dân có quan tâm nhưng hiểu biết còn hạn chế
Khảo sát cho thấy 82% nam giới và 84-87% người từ 25 tuổi trở lên đã từng nghe về Nghị định 168. Tuy nhiên, mức độ tiếp cận thông tin ở nhóm dưới 25 tuổi thấp hơn đáng kể, đặc biệt là dưới 18 tuổi (chỉ 39%).
Người dùng chủ yếu tiếp cận thông tin qua mạng xã hội (59%), báo chí và truyền hình (43%), trong khi chỉ 37% theo dõi thông báo chính thức từ cơ quan nhà nước.
Đáng chú ý, nữ giới tiếp cận thông tin từ mạng xã hội và người thân nhiều hơn, trong khi nam giới có xu hướng cập nhật qua báo chí.

Nhu cầu gửi ý kiến phản hồi về Nghị định cao, ưu tiên các kênh trực tuyến
Kết quả khảo sát của Cốc Cốc cho thấy, có đến 66% người dân mong muốn gửi ý kiến phản hồi về Nghị định 168. Đặc biệt, nhóm tuổi từ 25-34 có nhu cầu cao nhất, chiếm 74%.
Phần lớn người dân lựa chọn các phương thức phản hồi trực tuyến. Trong đó, 32% muốn gửi ý kiến qua cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, trong khi 29% sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo để bày tỏ quan điểm. Báo chí và truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng, với 26% người tham gia khảo sát lựa chọn đây là kênh phản hồi phù hợp.
Ngược lại, hình thức phản hồi trực tiếp ít được lựa chọn. Chỉ 14% người được hỏi chọn liên hệ qua tổng đài đường dây nóng hoặc tham gia các buổi đối thoại với cơ quan chức năng. Điều này phản ánh tâm lý e ngại về tính hiệu quả của các kênh tiếp xúc, tương tác trực tiếp.
Đáng chú ý, 34% người tham gia khảo sát cho biết họ không có nhu cầu gửi ý kiến phản hồi. Nguyên nhân có thể đến từ tâm lý của một nhóm người dùng cho rằng ý kiến cá nhân khó có thể tác động đến chính sách, hoặc do họ chưa quan tâm đủ đến vấn đề này.
Không chỉ tăng mức phạt, cần một lộ trình hợp lý
Khảo sát của Cốc Cốc cũng chỉ ra rằng người dân Hà Nội không chỉ quan tâm đến mức phạt mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về tính thực tế của chính sách. 59% cho rằng tắc đường là rào cản lớn nhất khiến họ khó tuân thủ giao thông, trong khi 46% phản ánh tình trạng biển báo, vạch kẻ đường chưa rõ ràng. Tính minh bạch của hệ thống phạt nguội cũng là vấn đề đáng lo ngại, với 37% bày tỏ nghi ngờ.
Thay vì chỉ tập trung vào tăng mức phạt, người dân mong chờ các giải pháp đồng bộ. 69% đề xuất nâng cấp hạ tầng giao thông, hơn 50% ủng hộ việc cải thiện giao thông công cộng và ứng dụng công nghệ trong kiểm soát vi phạm. Chỉ 5% cho rằng tăng mức phạt là biện pháp duy nhất hiệu quả.
Nghị định 168 và đề xuất tăng mức phạt tại Hà Nội đã tạo ra những phản ứng trái chiều từ người dân. Dù mức phạt cao có thể giúp răn đe, nhưng nếu không đi kèm với cải thiện hạ tầng, nâng cao ý thức giao thông và đảm bảo tính minh bạch trong thực thi, hiệu quả có thể không như mong đợi.
Những số liệu từ khảo sát Cốc Cốc cho thấy, thay vì chỉ tập trung vào việc xử phạt nặng hơn, các cơ quan chức năng cần cân nhắc một lộ trình hợp lý, có sự điều chỉnh linh hoạt, đồng thời đầu tư vào các giải pháp giao thông bền vững để đảm bảo hiệu quả lâu dài.